Thực trạng và thách thức trong phát triển công nghiệp văn hóa

Tuấn Duy
Tuấn Duy
23/05/2024 14:53 GMT+7

Sáng 23.5, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm 'Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030', với phối hợp về nội dung của Bộ VH-TT-DL.

Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến quen thuộc của bạn bè, du khách, nghệ sĩ và giới tổ chức show diễn quốc tế. Điều này cho thấy tiềm năng của ngành công nghiệp văn hóa tại thị trường mới, khi là đất nước có dân số trẻ và chất lượng cuộc sống ngày được nâng cao.

Tuy vậy, so với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thì ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa được quan tâm một cách sát sao, và được cho là mới phát triển chỉ ở tầm trung. Có nhiều lực cản trên hành trình phát triển và câu hỏi lớn nhất là phải làm sao để tháo gỡ chúng. Qua buổi tọa đàm, những thách thức và giải pháp đã được đưa ra, hy vọng về sự thay đổi trong tương lai gần.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, nói về phương hướng và cách làm của TP.HCM trong phát triển công nghiệp văn hóa

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, nói về phương hướng và cách làm của TP.HCM trong phát triển công nghiệp văn hóa

BTC

Nói về thực trạng, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc SởVH-TT TP.HCM, cho biết thành phố hiện là địa phương đang đi đầu trong việc phát triển công nghiệp văn hóa suốt nhiều năm qua. Có thể thấy được điều đó nhờ sức hút lớn của những chương trình vừa được tổ chức như Lễ hội âm nhạc quốc tế HOZO, Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM HIFF

Tuy vậy, đây mới chỉ là bước đầu, câu hỏi được đặt ra là phải làm sao để ngày càng nhân rộng hơn nữa những sự thành công và sức ảnh hưởng như đã nói trên?

Lắng nghe để có những chính sách kịp thời, hợp lý

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa - Nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện nay đang là giai đoạn căn cốt để có thể phát triển các ngành văn hóa, nghệ thuật. Điều đó được thể hiện ở thị trường nước ngoài đang rất quan tâm đến các nội dung có liên quan đến châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, việc phát triển công nghiệp văn hóa cần phải thực hiện nhanh chóng, trước khi thị trường nói trên chuyển sang châu Phi, châu Mỹ Latin.

Khi nào doanh nghiệp của ngành công nghiệp văn hóa có thể tạo ra sản phẩm bền vững thì ta mới có được khả năng cạnh tranh so với quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thi Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa - nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Trong bài tham luận, bà đã nhắc đến vai trò và chức năng của cuộc cách mạng 4.0 về kỹ thuật số và công nghiệp số, kêu gọi việc phát triển nên gắn với trọng tâm này. Bà cũng nhắc đến một thách thức không thể chối bỏ đó là vấn đề sở hữu trí tuệ. Theo bà, cần phải có sự thay đổi trong chính sách, pháp luật để phù hợp với lực lượng sáng tạo trong kỷ nguyên số, cũng như cần phải nhìn nhận nó rộng mở hơn, không chỉ dừng lại ở góc độ địa phương hoặc quốc gia, khu vực.

Hai điểm rất mới cũng được bà lưu ý là tính liên ngành của hệ sinh thái, cũng như phải cân nhắc đến mục tiêu về phát triển bền vững. Theo bà, "khi nào doanh nghiệp của ngành công nghiệp văn hóa có thể tạo ra sản phẩm bền vững thì ta mới có được khả năng cạnh tranh so với quốc tế".

Yếu tố giải trí trong thời buổi này không nên đơn thuần chỉ là giải trí, mà phải kèm thêm giáo dục, qua đó thúc đẩy lòng yêu nước và cảm xúc tự hào.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam

Bổ sung vào buổi tọa đàm, là người làm nghề, đạo diễn Phạm Hoàng Nam - người đứng sau nhiều chương trình, lễ hội lớn - cũng chia sẻ rằng yếu tố giải trí trong thời buổi này không nên đơn thuần chỉ là giải trí, mà phải kèm thêm giáo dục, qua đó thúc đẩy lòng yêu nước và cảm xúc tự hào.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng giải trí nên gắn liền với giáo dục

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng giải trí nên gắn liền với giáo dục

BTC

Đồng ý với nhận định của NSƯT – đạo diễn Đỗ Đức Thịnh, NSND Mỹ Uyên - Giám đốc Sân khấu nhỏ 5B, đạo diễn Quốc Thảo - Giám đốc Sân khấu kịch Quốc Thảo về hiện trạng sân khấu thiếu cơ sở vật chất, ông Nam cho rằng các nhà hát hiện khá cũ kỹ, trong khi nhà thi đấu đa năng hay sân vận động… thì thiếu đi tính đa năng, khó bề chuyển đổi sang mục đích khác khi có nhu cầu.

Đại diện cho thế hệ trẻ, đạo diễn Vân Trình (Kiki Trần – người mang rất nhiều show diễn Việt Nam ra quốc tế) cho biết đội ngũ sáng tạo Việt Nam rất giỏi chuyên môn nhưng thiếu va chạm trong việc tham gia các chương trình lớn. Anh cho rằng, nền công nghiệp văn hóa cũng nên quan tâm đến cộng đồng kiều bào ở các nước, vì đây cũng là thị trường tương đối tiềm năng.

Nói về giải pháp, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng đã giới thiệu 10 nhóm giải pháp thuộc chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của TP.HCM. Có thể kể đến các điểm nổi bật như quy hoạch tổng thể, đồng bộ cơ sở vật chất, gắn kết – liên kết vùng, cải cách thủ tục hành chính cũng như đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng… 

Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM – cũng đã chia sẻ về định hướng riêng của Hội Điện ảnh, hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa.

Thực trạng và thách thức trong phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 3.

NSND Mỹ Uyên cho rằng nên có những buổi trao đổi chi tiết và cụ thể hơn trong tương lai gần

NLĐ

Tuy vậy, theo TS. Mai Mỹ Duyên, nên có nhiều hơn những buổi tọa đàm với những chủ đề chi tiết và cụ thể hơn, để làm sao việc phát triển công nghiệp văn hóa phải thật thiết thực và bám thật sát tình hình thực tế. 

NSND Mỹ Uyên cũng đề xuất nên tổ chức theo 2 tháng một lần, qua đó các cơ quan quản lý, cơ quan ban ngành liên quan sẽ được lắng nghe những vấn đề còn tồn đọng của người làm nghề, qua đó có những chính sách kịp thời, hợp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.