Với một ngôi trường đào tạo ra những gương mặt sân khấu, điện ảnh hàng đầu cho Việt Nam thì các giải thưởng, các màn trình diễn không hề xa lạ. Thế nhưng với nghệ thuật hóa trang của khoa Thiết kế mỹ thuật thuộc trường thì đây quả là những bước đi đầu tiên đầy giá trị.
Hẳn nhiều độc giả không hề xa lạ với những nhân vật trứ danh như Drax, Nebula, Gamora ( Guardians of the Galaxy– Vệ binh dải ngân hà), Mystique ( X-Men), Dị nhân ( Khải Huyền), Hellboy ( Quỷ đỏ)…, để tạo được nên chúng, không chỉ là sự tưởng tượng vĩ đại của các nhà văn, biên kịch, đạo diễn mà còn bắt buộc phải có đôi bàn tay khéo léo, thần kỳ, khả năng sáng tạo và thậm chí là sự miệt mài gian khổ của cả ekip hóa trang cùng với sự trợ giúp của thiết bị, sản phẩm, công nghệ…
Có thể nói, nghệ thuật hóa trang là một khái niệm rất cũ… nhưng lại đầy lạ lẫm ở Việt Nam. Cũ là bởi, sân khấu hay điện ảnh Việt Nam, nhất là những sân khấu truyền thống như Tuồng, ngay từ khi ra đời đã không thể thiếu bàn tay “tô vẽ, tạo hình” của các nghệ sĩ. Lạ lẫm là bởi, chỉ mới cách đây chừng 5,7 năm thôi, đại đa số, người ta vẫn nghĩ hóa trang là trang điểm. Dù, trên thực tế, trang điểm – làm đẹp là một phần của nghệ thuật hóa trang, thậm chí, nó chỉ là cánh cửa bước vào thế giới của nghệ thuật hóa trang.
Xuất hiện lâu nhưng chưa được biết rộng, chưa được đánh giá và đào tạo, đầu tư phát triển một cách xứng tầm là một… thiệt thòi của công chúng, độc giả nhưng cũng là nỗi trăn trở của những người làm nghề. Từ suy nghĩ đó mà ngay từ khi chuyên ngành Nghệ thuật hóa trang được chính thức đưa vào đào tạo ở Đại học Sân khấu Điện Ảnh, Thạc sĩ Đào Thùy – người được giao phụ trách chuyên ngành đã miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, nỗ lực vận động mọi nguồn xã hội để xây dựng nên những bài giảng mang tính thực tế cao nhất, tiệm cận nhất với những chuyển động của hóa trang thế giới hiện tại.
Chính vì vậy, khi xem buổi trình diễn của cô trò Đào Thùy, nhiều khá giả không khỏi xúc động. Chỉ vỏn vẹn trong hơn 10 mẫu hóa trang trình diễn trong chương trình mà những câu chuyện, những nhân vật trứ danh nhất của nền văn hóa, văn học, nghệ thuật, điện ảnh thế giới đã lần lượt được kể lại một cách sinh động, tỉ mỉ
Mỗi tác phẩm là một câu chuyện. Bài thi của thí sinh Ánh Vân, Thảo Vân được lấy cảm hứng từ Lễ hội người chết tại Mexico – một lễ hội mà người dân quốc gia Bắc Mỹ này sẽ cùng hóa trang như những bộ xương di động, đội những chiếc mũ theo phong cách châu Âu hoặc phong cách Calavera Catrina ( một phụ nữ nổi tiếng trong hội họa Mexico – pv), xuống đường chung vui, tưởng nhớ những người đã khuất.
Bài thi của thí sinh Trần Anh Phương về Nữ thần Rắn Medusa – một vị thần nổi tiếng xinh đẹp, hoang dã, làm say đắm biết bao đàn ông, thế nhưng nàng lại bị Nữ thần chiến tranh và trí tuệ Athena trừng phạt trở thành một nữ quái với mái tóc đầy rắn cùng đôi mắt đỏ ngầu làm hóa đá bất cứ ai nhìn vào…
Bài thi của thí sinh Khánh Linh, Yến Linh lại mang đậm màu sắc của thời trang, ấm áp với ý nghĩa nhân văn khi có ý hướng sự chia sẻ về với người dân miền Trung trong đợt bão lũ vừa qua. Phần mũ đội đầu được tạo nên bởi những đường uốn lượn mềm mại tiếp nối với phần váy xếp nếp lớn, cách điệu gợi nhớ về hình ảnh những cơn sóng dữ. Hai màu trắng xanh lam pha với nhau hài hòa tạo cảm giác nhẹ nhàng như tâm tính thuần hậu của người dân vùng lũ. Cùng với đó là những hình khối hình góc cạnh biểu tượng cho sự mất mát. Không thể thiếu kỹ thuật hóa trang chuyên ngành, trên khuôn mặt của người mẫu là các mảng ráp da giả tạo thành như những điểm nhấn, giống như mang cá, biểu lộ sức mạnh sẵn sàng thích ứng, vượt qua bão lũ… Bài thi ẩn chứa nhiều thông điệp, có chiều sâu, gây ấn tượng mạnh mẽ với hầu hết khán giả tham dự.
Sau thành công của buổi diễn, Thạc sĩ Đào Thùy ( Trưởng bộ môn nghệ thuật hóa trang) cho biết: Trong khi trên thế giới, mà thậm chí, không ở đâu xa ngay nước láng giềng Trung Quốc thì hóa trang là một ngành công nghiệp kiếm bộn tiền, tạo ra những nghề phụ trợ có thu nhập tốt, thu hút một lượng lớn nguồn nhân lực ngành thời trang làm đẹp thì ở Việt Nam ta mọi thứ còn khá sơ sài. Những nghệ sĩ hóa trang hàng đầu, có thể nói là đứng được vào đội ngũ nghệ sĩ hóa trang quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để phục vụ việc phát triển và đáp ứng nhu cầu về điện ảnh sân khấu, Đại học Sân khấu Điện ảnh đã mở mã ngành Nghệ thuật hóa trang đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hóa trang với kỳ vọng chỉ trong vài năm tới đây, những nghệ sĩ hóa trang Việt Nam sẽ lần lượt ghi dấu ấn trên trường quốc tế. Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập trường, cô trò chúng tôi quyết định làm chương trình trình diễn. Phải nói là rất vất vả và vô cùng tốn kém. Nhiều đêm liền cô trò cùng thức trắng. Mỗi tác phẩm chúng tôi làm ra, để chất, để thật và sinh động như này tiền triệu không thỏa mà phải là tiền chục triệu. Thế nhưng, đầu tư cho kiến thức cũng là đầu tư cho chính cuộc sống mình sau này. Tôi luôn động viên các em như thế. Chưa kể, với mức chi phí tốn kém thế, không thể làm ra các hình mẫu, tác phẩm hời hợt mà phải tạo ra những nhân vật văn hóa, nghệ thuật, có tính biểu tượng thật sự. Đó là chính là lý do, dù các em còn rất trẻ, đôi khi khá ham chơi và bay bổng, tôi vẫn phải kéo các em lại, đưa về với những kho tàng kiến thức của thế giới. Để từ đó, cùng nghiên cứu, tìm tòi tạo ra những sản phẩm thật sự giá trị, cả về nghĩa đen ( vật chất, chi phí) lẫn nghĩa bóng ( thông điệp, kiến thức, ẩn chứa ngôn ngữ văn học, mỹ thuật, điện ảnh).
Châm Châm và Nhi Phan ( sinh viên K40, chuyên ngành Nghệ thuật hóa trang, Khoa Thiết kế Mỹ thuật, Đại học Sân khấu Điện Ảnh) hào hứng chia sẻ: ban đầu chúng em rất đam mê trang điểm. Thế rồi khi lựa chọn trường, tình cờ được biết khoa Nghệ thuật hóa trang, chúng em đăng ký học. Mới lạ, bất ngờ hơn sức tưởng tượng rất nhiều. Điều chúng em thích thú không chỉ là được học hỏi, được khám phá trên chính những tác phẩm điện ảnh kinh điển mà mình say mê từ xưa mà còn ứng dụng được môn học hàng ngày thông qua… dịch vụ trang điểm cá nhân ( cười).
Hiện nay, những khóa sinh viên đầu tiên của chuyên ngành đã chuẩn bị ra trường, những lớp sinh viên mới vẫn tiếp tục vào khoa mỗi năm, với sự quan tâm, đầu tư công sức của trường, của khoa, những người yêu thời trang, nghệ thuật, điện ảnh chắc chắn có quyền kỳ vọng về thế hệ nghệ sĩ hóa trang “made in Việt Nam” đầy ấn tượng.