Bài: Ngọc Hoa - Ảnh: Thu Hương
Nằm cách Sài Gòn 170km, Đồng Tháp là một địa danh được rất nhiều du khách chọn lựa với rất nhiều cái tên quen thuộc: Làng hoa Sa Đéc, Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu du lịch Gáo Giồng, Khu du lịch văn hoá Phương Nam - một điểm du lịch mới khánh thành vào cuối năm 2017.
Điểm đến đầu tiên: Khu di tích Gò Tháp
Khu di tích Gò Thápnằm trên địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, là một trong 34 “di tích quốc gia đặc biệt” của Việt Nam, là 1 trong 2 di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng trong cả nước (Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và di tích Gò Tháp).Toàn khu di tích Gò Tháp có chiều dài gần 500m, ngang 200m, ở đây mủa khô nhiều gò cát lớn nhỏ uốn lượn quanh co, tạo thành khu gò nổi, trên gò có nhiều cây cổ thụ trăm tuổi xoè bóng mát, sừng sững vươn cao. Mùa nước nổi thì đồng nước mênh mông xen lẫn màu xanh cây cỏ, tạo thành phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ.
Chùa Tháp Linh (hay còn gọi là Tháp Mười Cổ Tự) nằm trong quần thể Khu di tích Gò Tháp
Đền thờ Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều là một trong những di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt nằm trong quần thể Khu di tích Gò Tháp
Trong thời gian từ 2009 đến nay, khu di tích Gò Tháp đã được đầu tư 28 tỷ đồng bằng nguồn vốn Trung ương và của tỉnh, huyện để trùng tu, tôn tạo, bảo quản nền gạch cổ, làm mái che cạnh Miếu bà Chúa Xứ, khai quật khảo cổ di tích Gò Minh Sư, di tích Tường Thành phía tây, lập nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, mở các tuyến đường giao thông nội bộ khu sinh thái để xây dựng Tháp Sen. Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2012 - 2020, Khu di tích Gò Tháp sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống điện nước, các công trình bảo vệ di tích đã được khai quật, mở rộng khu vực Miếu bà Chúa Xứ, Nhà bảo tàng Xứ ủy Nam bộ. Chất giọng rặt miền Tây chân chất của anh cán bộ Khu di tích đã dẫn lối chúng tôi đến với từng ngóc ngách của khu di tích quốc gia đặc biệt này. Những chiếc khăn rằn chúng tôi được tặng cũng phần nào làm chúng tôi thêm khắng khít hơn với con người, với vùng đất sen hồng mến khách này.
Đến với Gáo Giồng, trekking đường tre thơ mộng
Rời Khu di tích Gò Tháp, đoàn Famtrip tiếp tục ngồi thuyền đến với Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Nơi đây có cảnh quan đậm nét chân quê, không gian rợp mát bóng cây, bầu không khí trong lành khoáng đạt và nhiều món ngon dân dã, trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Rừng tràm Gáo Giồng xanh mướt, trải rộng trên diện tích hàng nghìn hécta, phát triển song song với các loài cây đặc trưng của vùng ngập nước như: gáo, điên điển, lau sậy, lúa trời, sen, súng... tạo nên hệ thực vật phong phú và trở thành ngôi nhà cho nhiều loại động vật trú ngụ. Quanh khu du lịch Gáo Giồng có hệ thống kênh rạch chằng chịt, là nơi sinh sống của các loài cá nước ngọt như cá lóc, cá rô, cá linh, cá sặc, cá thác lác, rắn, lươn, rùa, trăn, chuột đồng... tạo nên nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thu hút nhiều loài chim quần tụ về đây kiếm ăn, sinh trưởng.
Rừng tràm Gáo Giồng xanh mướt, trải rộng trên diện tích hàng nghìn hécta với hệ thống kênh rạch chằng chịt
Sau khi thưởng thức các món đặc sản trứ danh của vùng Đồng Tháp Mười như: cá lóc nướng cuốn lá sen non, cơm huyết rồng gói lá sen hấp, ốc hấp tiêu, khô cá điêu hồng thơm phức... nhâm nhi cùng rượu mật ong tràm, chúng tôi được trải nghiệm chuyến du ngoạn thú vị trên xuồng ba lá cùng cô thôn nữ mặc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, nón lá che nghiêng, nhẹ nhàng khua mái chèo men theo các dòng kênh liêu phiêu thảm bèo xanh mượt để tới thăm sân chim Gáo Giồng. Khi đến nơi, xuồng vẹt cỏ dừng lại bên gò đất cho bạn thong thả nhìn ngắm những cánh chim bay liệng, xoải cánh trên những vạt cây xanh rì. Thật là một quang cảnh ấn tượng vô cùng, một điểm nhấn khó quên của chuyến đi.
Du khách đến Gáo Giồng sẽ được chiêm ngưỡng và khám phá cuộc sống của các loài chim
Rời xuồng, chúng tôi được trekking trên con đường tre tuyệt đẹp. Bộ sưu tập tre là một trong những công trình thuộc Dự án “Khu bảo tồn tre” gắn với Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, gồm nhiều hạng mục như: bộ sưu tập tre, mê cung tre, bảo tàng tre... Bộ sưu tập tre được Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng sưu tầm, thực hiện từ năm 2014, với hơn 60 giống tre Việt Nam như: tre sọc vàng, tre hoa hậu, tre bườm móc, tre gai, tre tầm vông, tre diễn đá, tre vầu, tre lò ô vàng, tre gầy... Đến nay, công trình bộ sưu tập tre bước đầu đã trồng được hai hàng tre song song, dài hơn 2km trên đoạn đường dẫn vào Khu du lịch. Vào mùa xuân, khung cảnh ở “đường tre” càng đẹp, lãng mạn hơn. Nhiều loài chim về làm tổ, hót, gáy líu lo, thỉnh thoảng có cơn gió làm lá tre kêu xào xạc. Ngoài không gian thư giãn đẹp, cây tre còn gợi cho du khách nhớ về hình ảnh quê nhà với những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu.
Bộ sưu tập tre ở Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng đã thu hút và tạo được nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách
Viếng lăng một Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Đoàn chúng tôi tiếp tục đến với Khu di tích lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tọa lạc tại số 137 đường Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Thành phố Cao Lãnh. Sau nhiều lần tôn tạo, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một quần thể công trình lịch sử văn hóa lưu niệm nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp và khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 9 ha, trong đó có những hạng mục chính: Vòm mộ, Hồ sao, Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà Kiếng (trưng bày cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Mô hình nhà Sàn Bác Hồ, Một góc làng Hòa An xưa…
Vòm mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với bệ thờ bằng đá mài
Với các mặt giá trị sâu sắc và tiêu biểu về lịch sử văn hóa, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là một trong những trọng điểm của tỉnh thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã được công nhận là khu di tích cấp quốc gia và là điểm du lịch quan trọng của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Những ngôi nhà sàn bằng gỗ tuyệt đẹp là điểm nhấn ấn tượng của khu di tích
Đoàn chúng tôi được nghỉ đêm trong những ngôi nhà thuần gỗ tuyệt đẹp của khu làng Hòa An xưa, theo như tờ hành trình ghi lại là các Homestay bá hộ với 10-12 chỗ ngủ/căn. Một góc làng Hòa An xưa được tái hiện lại nằm trong khuôn viên của Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Bước qua cầu vào làng, hình ảnh đầu tiên là bức tượng của cụ Nguyễn Sinh Sắc được tạc bằng đá đặt trên một bệ cao, khắc họa hình ảnh của một ông “Thầy Huế” áo nâu, túi vải về làng với một dáng vẻ nho nhã, ung dung, giản dị tạo cho ta một cảm giác gần gũi thân thương. Men theo con đường làng, len lỏi qua những hàng dừa, hàng me xen lẫn những cây vú sữa trong con rạch nhỏ, những ngôi nhà bát dần, nhà chữ đinh, nhà nọc ngựa... Bên cạnh đó là các tổ hợp mô tả cuộc sống đời thường, cách sinh hoạt, ứng xử của người dân Hòa An xưa, một số nghề đặc trưng như: nghề xắt thuốc rê, chằm lá, nghề rèn, nghề mộc, đờn ca tài tử… đã làm sống lại hình ảnh ngôi làng Hòa An nổi tiếng một thời.
Tham quan Khu du lịch văn hóa Phương Nam
Nằm trên diện tích 17ha, với quần thể kiến trúc gồm các khối nhà cổ - gỗ mới theo phong cách kiến trúc nhà rường Việt Nam, Khu du lịch văn hóa Phương Nam mang đậm dấu ấn triều Nguyễn, có cải tiến theo cung cách xây dựng nhà của Nam bộ, có 5 hạng mục chính là: Nam phương Linh từ, Đặng tộc Nam phương Linh từ, nhà bảo tàng họ Đặng, nhà bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang bao quanh (tượng trưng cho 5 châu); 4 hồ nước trồng các loại hoa sen, hoa súng và các loài thực vật thủy sinh (tượng trưng cho 4 biển); có 63 chậu mai vàng, loài hoa tiêu biểu của vùng đất phương Nam rực rỡ sắc màu khi Tết đến, Xuân về (tượng trưng cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước); có 54 loài hoa lá, cây kiểng (tượng trưng cho 54 dân tộc anh em)... với tổng kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng.
Đền thờ Nam Phương Linh từ là nơi để tôn vinh, tri ân và phụng thờ các vị tiền nhân đã có công khai mở, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam của Tổ quốc
Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam là quần thể công trình văn hóa - tâm linh và phụng thờ các nhân vật lịch sử trên vùng đất phương Nam, thờ cúng tổ tiên họ Đặng và các bậc tiền nhân của các dòng họ khác ở khắp các vùng miền trong cả nước đã khai phá ra vùng đất mới, cùng những người của các thế hệ, các giai đoạn lịch sử đã nằm xuống nơi đây. Nam Phương Linh từ có 7 gian, 2 chái, 3 lòng, có mái hạ và hàng hiên bao quanh.
Tại đây còn có rất nhiều những trò chơi dân gian tại Khu Làng Quê Nam bộ dành cho khách tham quan rất thú vị. Trò chơi trên cạn bao gồm nhiều trò chơi dân gian thú vị như: Bịt mắt đập nồi; Bịt mắt đánh trống, Bắt vịt trong bồ, Gánh nước, gánh mạ qua cầu khỉ, Đi cầu thăng bằng… Ngoài ra còn nhiều trò chơi hấp dẫn dưới nước như: Đi cầu thăng bằng, Nôm cá, Bắt vịt, Đua xuồng, Đi dây tử thần, Chạy xe đạp qua cầu, Cầu lắc, Xe đạp nước...
Đến khu vực trò chơi dưới nước du khách được thỏa sức vui chơi, giải trí với khung cảnh thiên nhiên hữu tình
Những món ăn dân giã với nguồn nguyên liệu sạch từ nông sản địa phương làm thoả lòng du khách
Nhà hàng Nam bộ phục vụ cùng lúc 1.000 thực khách với các món ăn riêng biệt, đặc sắc Nam bộ. Làng ẩm thực ven sông với 18 căn nhà sàn để quý khách tự phục vụ theo nhu cầu của mình.
Tuy chuyến Famtrip chỉ vỏn vẹn 2 ngày nhưng để lại trong lòng chúng tôi những kỷ niệm thật đẹp về vùng đất sen hồng thơ mộng ở miền Tây sông nước. Nếu có dịp về thăm vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, bạn hãy ghé qua vùng đất sen hồng mến khách để thưởng ngoạn những tinh hoa của mảnh đất phía Nam này bạn nhé!