• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Tận hưởng

Vương quốc của những giấc mơ có thật

17/11/2015 03:35 GMT+7

Bhutan đang là kiểu mẫu cho các nước nhỏ ở Châu Á khi giữ gìn nguyên vẹn bản sắc văn hóa, bảo tồn nguyên vẹn những lễ hội dân gian.

Bài: Hải Piano - Ảnh: Hải Piano & Thanh Tùng

 

 DSC2831

 

Thiên nhiên của miền cổ tích

Lần đầu đến Bhutan vào mùa xuân, khi xe vừa qua cánh cổng chào với hoa văn vẽ tay và họa tiết cột gỗ thông vuông truyền thống ở cửa khẩu Phuentsoling - biên giới giữa Ấn Độ và Bhutan, chúng tôi như bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Từ đây chúng tôi đi đường bộ lên phía Bắc hướng về thủ đô Thimphu. Khung cảnh núi non hùng vĩ xa xa, lượn quanh những đường đèo là bạt ngàn hoa nở ven suối, khi xe qua những ngôi làng ven sườn núi, bên những gốc anh đào cổ thụ thấp thoáng những cô gái trong trang phục truyền thống Kira nền nã và duyên dáng, những chàng trai thì oai phong và lịch lãm trong bộ Gho. Những khung cảnh như phim thần thoại khiến cho người khởi xướng chuyến đi bằng đường bộ vào Bhutan cảm thấy mãn nhãn và vui sướng.

 

 DSC0649

 

 

Khi quay lại vào mùa thu, chúng tôi cũng chọn đường bộ khám phá từ Tây sang Đông Bhutan rồi vòng xuống biên giới Ấn Độ ở cửa khẩu Guwahati. Con đường từ Paro qua cố đô Phunakha rồi vòng qua Bumthang miền trung và Trashigang miền Đông trải dài trong 3 ngày đường với nhiều đèo cao từ 2000 đến 3700m. Mỗi ngày chúng tôi lại bất ngờ với thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp nhưng biến đổi không ngừng theo cao độ.

72% diện tích của Bhutan được bao phủ bởi rừng.

Buổi sáng khi trên đường từ Thimphu sang cố đô Punakha, chúng tôi may mắn thấy toàn dải núi tuyết Himalayas rực sắc mặt trời khi bình minh lên quanh khu rừng thông cổ thụ trên đèo Dochula. Khi đổ đèo xuống thung lung Wangde Phrodang, chúng tôi bắt gặp cảnh sắc rất Á Đông là những ruộng lúa bậc thang tuyệt đẹp uốn lượn ven suối bên những ngôi làng thơ mộng khiến xe phải dừng nhiều lần để chụp ảnh. Ngày thứ 2 từ Bumthang sang Mongar là cảnh sắc của vùng ôn đới như Châu Âu khi đi xuyên những khu rừng thông đại cổ thụ ở độ cao trên 3000m, chúng tôi say đắm với những rừng lá phong chuyển sắc đỏ sắc vàng rực rỡ xen kẽ với màu xanh lá thông và những đỉnh núi tuyết trắng xa xa. 

 

An yên tự tại

Đi khắp vương quốc nhỏ bé này, bạn sẽ gặp nhiều nhất là tu viện và pháo đài (Dzong). Mỗi ngôi làng trên núi đều có 1 tu viện nằm ở vị trí cao nhất của làng, mỗi thị trấn đều có một Dzong với kiến trúc hùng tráng nhưng gần gũi. Bạn sẽ bất ngờ vì bên trong bất kỳ Dzong nào thì một nửa diện tích là cơ quan hành chính địa phương và một nửa kia của pháo đài không phải là lực lượng quân đội như ta thường nghĩ mà lại là tu viện Phật giáo. Phật giáo Himalayas hay Kim Cang Thừa là quốc giáo của Bhutan, Phật giáo tạo nên những bản sắc riêng cho văn hóa, lối sống và cả cách trị quốc của người Bhutan.

 

 DSC3281

 

Người Bhutan thường sẽ cầu nguyện 3 lần trong ngày: buổi sáng trước khi đi làm đi học, buổi chiều khi đi làm về và buổi tối trước khi đi ngủ. Và khác với một số nước châu Á khác, bài nguyện của họ không cầu xin cho cá nhân mình mà là sự cầu an cho tất cả chúng sinh, cho nhân loại. Người dân Bhutan sống bằng nông nghiệp, nhưng họ nuôi trồng theo phương pháp tự nhiên không dùng hóa chất. Phần lớn bữa ăn hàng ngày của người Bhutan là ăn chay theo cách riêng của họ với món chính thường là ớt xào với phô mai dùng với cơm. Với niềm tin và cách sống ấy, cuộc sống của họ mỗi ngày thật bình an và nhẹ nhàng, chúng ta sẽ không thấy người Bhutan vội vã, chúng ta không gặp người Bhutan cãi nhau, còn các bác tài Bhutan luôn vui vẻ nhường đường cho nhau nên không cần có đèn giao thông hay cảnh sát gác trên các tuyến đường của Bhutan. Khi đặt chân đến vương quốc này, sự an yên và những niềm tin tôn giáo còn truyền đến cả du khách.

 

Một trong những điểm đến nổi tiếng nhất Bhutan: tu viện huyền thoại Tiger Nest ở vách núi có độ cao 3200m

Một trong những điểm đến nổi tiếng nhất Bhutan: tu viện huyền thoại Tiger Nest ở vách núi có độ cao 3200m

 

Khi lần đầu leo núi lên tu viện huyền thoại Tiger Nest ở vách núi có độ cao 3200m với không khí loãng thiếu oxy, những người Việt như chúng tôi có lẽ đã gắng sức đến đích bằng niềm tin rằng nếu đặt chân đến nơi Guru Rinpoche từng thiền tịnh, chúng tôi sẽ có được sự an lành và hạnh phúc như những người Bhutan đang hân hoan leo núi cùng chúng tôi. 

 

Vương quốc của hạnh phúc

Có nhiều tên gọi cho Bhutan như Vương quốc Rồng Sấm, Thiên đường cuối cùng nơi hạ giới,… nhưng chúng tôi thích nhất là tên gọi Vương quốc Hạnh phúc. Có lẽ những ước ao về hạnh phúc chúng tôi đã tìm thấy nơi mảnh đất nhỏ bé này.

 

Hai Bhutan -8811

 

Bhutan là nước duy nhất trên thế giới không bán và không cho phép hút thuốc lá, người dân Bhutan không săn bắt thú, không chặt cây và bảo vệ thiên nhiên như bảo vệ cuộc sống của chính mình và coi trọng cuộc sống tinh thần hơn giá trị vật chất. Quan trọng nhất, đó là quốc gia duy nhất quản lý và phát triển dựa theo Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia (GNP- Gross National Happiness) thay vì GDP. Đề đạt được GNP, bên cạnh các chỉ số về kinh tế, người dân được quan tâm đến những cả những chỉ số khá đặc biệt như: giờ ngủ bình quân, chỉ số về môi trường hay cả chỉ số về giữ gìn bản sắc văn hóa…

 

TRIỂN LÃM VỀ BHUTAN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM

Hai Bhutan -1637

Các bạn muốn tìm hiểu thêm về Bhutan trước khi thực hiện chuyến đi của mình nên thu xếp tham quan triển lãm nhiếp ảnh đầu tiên về Vương quốc hạnh phúc từ ngày 26 đến 28 tại lâu đài TajmaSago, Phú Mỹ Hưng, Quận 7 TP.HCM. Triển lãm là những bức ảnh và câu chuyện đặc biệt về Bhutan của hai nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thanh Hải. Hai nhiếp ảnh gia Thanh Tùng và Thanh Hải là hai người Việt hiếm hoi có hành trình khám phá Vương quốc Bhutan bằng đường bộ qua cửa ngõ Ấn Độ từ miền Nam Bhutan lên phía Bắc, rồi từ miền Tây Bhutan sang miền Đông, cũng như từ Đông Bắc xuống Đông Nam. Riêng nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải dành thời gian suốt 3 năm để tìm hiểu về đất nước Bhutan và đi nhiều chuyến chụp ảnh khắp Vương quốc này. Nhân dịp này các tác giả cũng phát hành lịch và một số ảnh kích thước đặc biệt để gây quỹ cho chương trình thiện nguyện nhiếp ảnh Help-Portrait VN 2015

Top
Top