Thời trang và sự bền vững của môi trường

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/04/2019 06:38 GMT+7

Nhiều câu chuyện trong triển lãm đa phương tiện Ai may cho ta mặc (trong khuôn khổ tuần lễ Cách mạng thời trang thế giới diễn ra từ 22 - 28.4 tại Bảo tàng Phụ nữ VN, Hà Nội) nhắc người xem yêu thương trang phục của mình cũng như những người đã may chúng.

Cynthia Chamat Debbané sống ở Beirut, Liban. Có cửa hàng thời trang nằm giữa Đông Beirut với cộng đồng Thiên chúa giáo và Tây Beirut cổ của cộng đồng Hồi giáo, khách hàng của cô là cả hai cộng đồng này. Cynthia lựa chọn cách thiết kế những bộ trang phục bằng vải sợi bông phi giới tính và mang nét văn hóa bản địa. Cô cũng có cách tính size quần áo riêng. “Tôi làm trước một cỡ để khách có thể thử được, sau đó điều chỉnh số đo tùy theo mỗi người. Có thể gọi đây là đồ may sẵn tùy chỉnh. Làm thế này tốn kém hơn cho nhà sản xuất. Ít lợi nhuận hơn nhưng chúng ta vẫn có lợi về mặt đạo đức. Chúng ta cũng không có gì phải tồn kho. Điều khiến tôi hạnh phúc là giữa thành phố hỗn loạn, đất nước còn nhiều thách thức, tôi vẫn có thể vận hành một doanh nghiệp có đạo đức”, Cynthia chia sẻ.
Đó là một trong nhiều câu chuyện về cách mạng thời trang được kể trong triển lãm Ai may cho ta mặc, được tổ chức triển lãm do bảo tàng kết hợp với Hội đồng Anh và Trung tâm phát triển điện ảnh trẻ (TPD) thực hiện. Tại đây, cuộc cách mạng thời trang không được thể hiện qua sự thay đổi kiểu mẫu, mà thể hiện ở sự thay đổi về cách nhìn các vấn đề thời trang. Cách mạng thời trang, do đó, gắn với bình đẳng giới, về điều kiện lao động cho phụ nữ, chống bóc lột sức lao động trẻ em, giữ gìn di sản văn hóa và cả bảo vệ môi trường nữa.
Chẳng hạn, một phần của triển lãm có tên gọi Thời trang vô diện. Ở đó, có rất nhiều hình mẫu mô tả người tham gia quá trình sản xuất của công nghiệp thời trang. Họ đều không có khuôn mặt. Điều đó cũng có nghĩa là những con người này có hoàn cảnh khá chung với nhiều người khác cùng công việc với họ. Sofia, 6 tuổi, thợ nhặt sợi bông người Ukraine, đã phải hít nhiều chất gây ung thư từ thuốc trừ sâu. Em là 1 trong 170 triệu trẻ em phải lao động kiếm sống mà Tổ chức Lao động thế giới thống kê. Lan, một thợ giày VN, có mức lương tháng còn thấp hơn đôi giày cô làm. Chưa kể, đã 9 tháng cô chưa được về thăm con. Reba, công nhân may mặc đã thoát chết trong vụ sập nhà máy tại Bangladesh và không hề được bồi thường...
Triển lãm cũng chia sẻ những câu chuyện tích cực của thời trang VN với các nhà thiết kế hướng tới sự bền vững của môi trường và duy trì di sản tri thức bản địa. Nhãn hàng Kilomet 109 của Vũ Thảo sử dụng sợi hữu cơ và kỹ thuật nhuộm truyền thống. Cô cho rằng giá trị của những bộ quần áo mình may nằm ở chỗ mọi người cùng làm ra chúng, cũng như cùng nghĩ tới những vấn đề về môi trường mình phải đối mặt trong tương lai. Nhãn hàng Giản đơn của Diệu Giáp lại chỉ sử dụng đường cắt tối giản, chất liệu tự nhiên từ các công ty bán nguyên liệu thừa. Những nhà thiết kế này đều đi ngược lại xu hướng thời trang ăn liền - ngành công nghiệp khiến chúng ta luôn thấy thiếu thốn ngay cả khi đã có cả tủ quần áo. Hồng Mi, nhà sáng lập của nhãn Chăn con công, lại có xưởng chuyên sửa lại đồ vintage theo số đo khách hàng. Cái được của việc này, theo Mi là “bạn không chỉ tái sử dụng và bảo vệ môi trường, đồng thời bạn cũng tạo nên một tủ quần áo riêng, đặc trưng cho riêng mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.