Thời trang Việt trước "cơn lốc" hàng hiệu nhập khẩu

03/07/2007 23:14 GMT+7

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tức là có những cam kết với các nước về vấn đề chống hàng giả, hàng nhái thì lập tức các nhãn hiệu thời trang quốc tế bắt đầu "đổ bộ". Các nhà sản xuất, nhà thiết kế Việt Nam đã và đang làm gì trước "cơn lốc" này?

Giữa tháng 5.2007, hàng loạt "đại gia" thời trang đã chính thức có mặt tại Việt Nam như Gucci khai trương cửa hiệu tại khách sạn Sheraton (TP.HCM); CK và Mo&Co có mặt tại Diamond Plaza, Ungaro, Timberland, Guy Laroche; Levi's tràn ngập trong Parkson hay Burberry, LV, Lacoste, Dr. Martens... chễm chệ trên các quầy tại Opera View đường Đồng Khởi (TP.HCM). Dù giá bán sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới không hề rẻ (từ 50, 70 đến vài trăm USD/sản phẩm) nhưng vẫn thu hút khá đông khách hàng. Và theo đánh giá của giới chuyên môn, thị trường hàng may mặc thời trang cao cấp Việt Nam đều tăng trưởng khá mạnh ở mức hai con số hàng năm.

Nhà thiết kế đơn lẻ: "Không có gì phải lo lắng!"


Mẫu thiết kế của nhãn hiệu MM Teen (Công ty May 10) - Ảnh: C.T.V
Tìm gặp và trao đổi với vài nhà thiết kế đơn lẻ, họ đều xác nhận việc những nhãn hiệu hàng đầu thế giới bắt đầu xâm nhập vào thị trường Việt Nam là chuyện vui và tất yếu. Nhà thiết kế Hoàng Ngân, hiện là giảng viên khoa Thiết kế thời trang trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nhận định: "Việc các công ty thời trang nổi tiếng có mặt tại Việt Nam là dấu hiệu tốt, chứng tỏ thị trường may mặc nước ta rất sôi động và có sức mua khá mạnh. Người tiêu dùng đã có ý thức hơn về thời trang, biết chọn cho mình phong cách ăn mặc sao cho phù hợp hơn. Riêng đối với những nhà thiết kế thì đây cũng là cơ hội để cạnh tranh về nghề nghiệp và học hỏi thêm kinh nghiệm về quản lý điều hành". Nhà thiết kế Việt Liên góp thêm ý kiến: "Không có gì phải lo lắng. Đó là dấu hiệu tốt cho thị trường may mặc cả nước. Chúng tôi sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm theo hướng chuyên nghiệp hóa cao của những công ty nước ngoài”.

Công ty quốc doanh vào cuộc. Dù có doanh số xuất khẩu hàng dệt may trong 5 tháng đầu năm 2007 đạt 2,7 tỉ USD (sụt giảm chút ít so với cùng kỳ năm ngoái) và đứng thứ hai về tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (sau dầu khí) nhưng con đường phát triển của ngành dệt may trong nước không hề trơn tru, bằng phẳng. Đa số các công ty dệt may quốc doanh chiếm thị phần nội địa tương đối nhỏ, trong khi hàng thời trang thì bỏ ngỏ hoàn toàn cho các công ty tư nhân hoặc hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan... "hoành hành". Sau khi gia nhập sân chơi chung toàn cầu, các công ty dệt may trong nước đều có những bước phát triển mới, tập trung vào thị trường nội địa hơn. Ông Phan Văn Kiệt, Phó tổng giám đốc Công ty may Việt Tiến cho biết: "Hiện công ty có đến 5 thương hiệu: Việt Tiến, Vee Sendy, T-up, San Sciaro và Manhattan.

Để có thể đạt doanh số chiếm 30% thị trường nội địa vào năm 2010 (hiện đang là 15%), chúng tôi đang nỗ lực thực hiện chiến lược thay đổi toàn diện bằng cách tăng cường đội ngũ thiết kế, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, đào tạo nhân lực, hợp tác với những công ty tư vấn chiến lược, phát triển thương hiệu hàng đầu của nước ngoài".

"Chúng ta đang thiếu hụt nhân lực có hàm lượng chất xám cao, có kinh nghiệm trong việc kết nối nhuần nhuyễn giữa thiết kế và sản xuất công nghiệp. Đừng tưởng có công nghệ, có máy móc, thiết bị, công nhân, thoải mái mua nguyên vật liệu, tuyển dụng đội ngũ thiết kế là có thể làm ra được những sản phẩm chất lượng uy tín. Chúng ta chỉ mới biết làm ra sản phẩm chứ còn mù mờ về chuyện phát triển thương hiệu" - Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên
Tuy nhiên, để phát triển một thương hiệu thời trang hoàn toàn "made in Vietnam" là điều hoàn toàn không đơn giản. Nhãn hiệu T-up của Việt Tiến ra đời hơn năm nay vẫn chưa tạo được vị trí trong lòng người tiêu dùng dù được đầu tư rất nhiều. Thương hiệu F-House của Công ty may Phương Đông cũng nhắm vào thị trường thời trang trong nước nhưng vẫn còn "trầy trật" vì chưa tạo ra được dấu ấn riêng, độc đáo, đặc biệt là trang phục dành cho giới trẻ vì mẫu mã thiết kế vẫn còn đơn điệu, không thể sánh được với hàng ngoại nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc. May An Phước với thương hiệu Pierre Cardin nhượng quyền từ tập đoàn thời trang (Pháp) chuyên về áo chemise cao cấp cũng chỉ chiếm một thị phần vô cùng khiêm tốn, nhắm vào giới doanh nhân vì giá cả cũng còn cao so với thu nhập của đa số người dân Việt. Gần đây nhất là May Nhà Bè đã chuyển sang dịch vụ may đo veston cho khách hàng để mở rộng thêm thị phần về mặt hàng cao cấp này...

Tuy nhiên, hiện tại đa số các công ty may quốc doanh khá "hài lòng" với thị phần nhỏ bé chiếm được trên cả nước. Tất cả những động thái, hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu trên thị trường cả nội địa lẫn thế giới vẫn còn trong giai đoạn "ấp ủ", chưa định hình. Cái mà các công ty quốc doanh hiện đang thiếu chính là sự nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu thị trường, tạo ra khuynh hướng thời trang - đặc biệt cho giới trẻ.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.