Những câu trả lời từ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hoàn toàn nguyên bản, không có yếu tố đạo văn. Với những bước nhảy vọt khó đoán định trong tương lai của công nghệ, ranh giới giữa sản phẩm của máy và người sẽ ngày càng dao động.
Vai trò của giáo viên sẽ thay đổi, lẽ tất nhiên là như thế. "Trí tuệ lên ngôi, giáo viên sẽ dạy gì?" là một câu hỏi hay, đặt ra một vấn đề bức thiết về chuyển động của giáo dục để thích ứng, chủ động hòa nhập và trang bị đủ đầy kỹ năng tiến vào kỷ nguyên AI ngự trị.
Chúng ta luôn theo đuổi bức tranh giáo dục hoàn mỹ: sáng tạo không ngừng, đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận năng lực và đặt người học vào trung tâm của quá trình giáo dục.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế trong nhà trường phổ thông để thấy rằng không ít giáo viên vẫn còn lên lớp với tâm thế hoàn thành bài giảng, cung cấp đủ kiến thức trong sách giáo khoa là đạt yêu cầu.
Chính điều này dẫn đến hệ lụy xấu: trò bị động tiếp thu tri thức từ thầy; tư duy sáng tạo, năng lực phản biện và khả năng ứng dụng thực tiễn bị mài mòn và triệt tiêu một cách vô thức.
Trong khi đó, thực tiễn đời sống và xu hướng thời đại yêu cầu người học không chỉ cần nắm vững kiến thức trong chương trình, thông thạo kỹ năng theo yêu cầu mà còn cần hơn hết sự nhanh nhạy nắm bắt các vấn đề xã hội, năng lực liên kết kiến thức để kết nối và ứng dụng vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Trò không chỉ cần học kiến thức mà quan trọng hơn là rèn giũa kỹ năng, trau dồi năng lực thông qua vai trò định hướng, dẫn dắt, tư vấn và hỗ trợ đắc lực của người thầy.
Do đó, AI góp phần cung cấp một kho dữ liệu khổng lồ, giải đáp thắc mắc không giới hạn, tổng hợp thông tin và đưa ra đáp án nguyên bản cho con người tham khảo, sử dụng. Từ đây, yêu cầu đặt ra cho cả thầy lẫn trò là phải quyết liệt thay đổi guồng quay dạy và học bấy lâu nay bị đóng khung vào lề thói cũ, phương pháp cũ, tư duy cũ.
Người thầy phải chuyển động để không còn cách dạy "thầy đọc-trò chép", thầy cầm tay chỉ việc và trò nhất nhất vâng lời.
Hãy dạy trò cách chiếm lĩnh tri thức, rèn giũa kỹ năng, trau dồi năng lực bằng cách khơi lên ngọn lửa đam mê khám phá, tìm tòi, mày mò, sáng tạo của học trò.
Người học phải chủ động phát huy vai trò trung tâm trong mỗi giờ học, mạnh dạn phản biện và sẵn sàng đối thoại một cách tích cực để tạo sức thuyết phục cho lập luận, ý kiến cá nhân. Kiến thức trong sách vở cần có sự kết nối tự nhiên với tri thức cuộc sống. Dưới sự hỗ trợ của giáo viên, học sinh hãy tập tành ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, biến tri thức thành phương tiện phục vụ cuộc sống chứ đừng chỉ học để… thi, thi rồi… quên.
Đổi mới thi cử phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong nhà trường. Từ bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ và khảo sát năng lực, hãy để học sinh tiếp cận với các dạng đề sáng tạo gắn liền với các vấn đề thời sự văn hóa, xã hội, thể thao…
Với sự hỗ trợ của công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, đã đến lúc chúng ta chấm dứt hoàn toàn hiện thực đánh giá người học bằng lối mòn xưa cũ: chăm chăm kiểm tra kiến thức và đếm ý chấm điểm.
Báo Thanh Niên mở diễn đàn: "Trí tuệ nhân tạo lên ngôi, giáo viên sẽ dạy gì?" với mong muốn nhận được những chia sẻ, trải nghiệm, khuyến nghị, ý kiến từ độc giả để ngành giáo dục thực hiện gấp kế hoạch phải thay đổi ra sao và vai trò của giáo viên thế nào, sẽ dạy gì cho học sinh khi gần như mọi thứ đã có sẵn trên mạng?
Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài, chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn.
Bình luận (0)