Dẫu biết rằng, dân tộc nào cũng có người này, người nọ; như hai mặt đối lập của cuộc sống, tuy nhiên, nhiều người Việt, nhất là khi ra nước ngoài, cả vô tình lẫn cố ý, đã “xuất khẩu” những thói quen không tốt.
Dư luận bức xúc, báo chí đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, vạch trần những thói xấu của người Việt khi ra nước ngoài. Có những việc xấu lặp đi lặp lại qua nhiều năm thành chuyện bình thường ở VN nhưng lại gây khó chịu, xúc phạm văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật tại xứ người. Từ việc “ăn to nói lớn” khi nghe điện thoại, trò chuyện với nhau đến khạc nhổ, xả rác, vệ sinh.
Từ chuyện xếp hàng, trật tự, tôn trọng và nhường nhịn người già, phụ nữ đến việc trang phục. Từ việc lấy thức ăn thừa mứa đến chuyện không tôn trọng nội quy các điểm tham quan, nhất là bảo tàng và công viên. Nặng hơn thì ăn gian, ăn cắp, móc túi, trấn lột… khiến người Việt đi tới đâu thì du khách các nước e ngại tới đó.
Khách Việt nằm trong top xấu xí mà đứng đầu là Trung Quốc. Đó cũng là lý do mà số lượng các nước miễn thị thực (visa) cho VN ít hơn cả Lào, Campuchia và Đông Timor, xếp hạng 10/11 nước ASEAN, chỉ hơn Myanmar do mấy chục năm đóng cửa.
Tình hình ngày càng tồi tệ, khi VN xuất hiện trong “black list” (danh sách đen) của nhiều nước, họ còn đưa những bảng cảnh cáo thói hư tật xấu của người Việt mà có người gọi đó là “bảng sỉ nhục”. Bộ Ngoại giao và Tổng cục Du lịch chưa có biện pháp hữu hiệu nào để chủ động ngăn ngừa và chấn chỉnh, kể cả việc người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài.
Nhiều người đề nghị xử phạt gấp đôi những vụ vi phạm pháp luật ở nước ngoài vì đó là hành vi sỉ nhục quốc thể; người khác yêu cầu ban hành gấp những nội quy của người Việt khi ra nước ngoài nhưng đợi mấy năm vẫn bặt tăm kiểu “im lặng là vàng”.
Trong khi chờ Chính phủ ra nghị định xử phạt hành vi phạm pháp ở ngoài nước và Bộ VH-TT-DL ban hành quy chuẩn văn hóa của người Việt khi ra nước ngoài, có thể làm ngay mấy việc: Các công ty lữ hành phải họp đoàn trước khi khởi hành để thông tin cho từng khách nắm rõ văn hóa thiên hạ và nội quy giữ thể diện cho dân tộc.
Có thể ký bản cam kết khi mua tour. Các hướng dẫn viên phải thường xuyên nhắc nhở du khách giữ thể diện quốc gia. Công ty nào để khách làm xấu hình ảnh quốc gia phải liên đới trách nhiệm. Nhẹ thì cảnh cáo, phạt tiền; nặng thì rút giấy phép. Cá nhân đi nước ngoài cũng vậy. Có thể bị cấm xuất cảnh nếu hành xử làm nhục quốc thể. Ngay tại cửa khẩu, biên phòng có thể chấn chỉnh tật chen ngang, không xếp hàng, ồn ào… của người Việt, thậm chí từ chối cho xuất cảnh.
Việc này đáng lẽ phải làm từ lâu, làm sao để ra nước ngoài, mỗi người Việt là một đại sứ của đất nước. Muốn vậy, mỗi người hãy tự soi lại mình.
Bình luận (0)