Theo các chuyên gia ẩm thực thì trái vải là loại trái cây mùa hè được ưa chuộng, cung cấp khoảng 50 Kcal/100g cơm trái, phủ đầy gần 87% nhu cầu hằng ngày về vitamin C và 16% vitamin B9, có ích đối với phụ nữ mang thai, sự tăng trưởng của trẻ và người bệnh. Hương thơm đặc trưng của trái vải được sử dụng rất nhiều trong ẩm thực, vải vừa có thể làm thức uống, món tráng miệng hoặc kết hợp với rau củ trong món salad, món hầm hay chiên.
Vải cũng có tính năng trị liệu. Với giá trị dinh dưỡng được phân tích trên 100g cơm nạc thì vải cung cấp 0,83g protid, 16,5g glucid, 0,44g lipid. Ngoài ra hàm lượng vitamin C (ngang hàng với trái cây chua) còn bảo vệ màng mô, kháng oxy hóa và potassium trong trái vải tương đối cao nên giúp chúng ta vượt qua được cơn mệt mỏi và giảm nguy cơ viêm nhiễm. Riêng vitamin B trong vải giúp mang lại sự cân bằng cho các neuron cơ bắp.
Tại một số quốc gia châu Á, người ta tin rằng ăn vải có thể bồi dưỡng tim, giảm cholesterol xấu và có tính năng co thắt mạch máu, rất có ích trong việc phòng chống xơ vữa động mạch và các chứng bệnh về tim khác. Thống kê mà các nhà nghiên cứu đúc kết lại về các khả năng trị liệu của trái vải có thể kể như sau: hiệu quả tăng lực; thức uống giải khát tốt; cân bằng hệ tiêu hóa; giúp giảm cân; tốt cho người thiếu máu; ngăn ngừa táo bón; có lợi cho các chứng loét và đau dạ dày ở người tiểu đường; tốt cho gan và lá lách; ngăn ngừa thoái hóa da, thúc đẩy liền sẹo; bảo vệ khung xương; tác dụng giảm đau nhẹ.
Trong đông y, hạt trái vải được sử dụng để điều trị các cơn đau bụng, nhức đầu, chuyển hóa và phục hồi sức khỏe. Nhưng lưu ý, ăn quá nhiều vải có thể dẫn đến dị ứng ở một số người.
Hoàng Khang
Bình luận (0)