Thomas L. Friedman: 'Nếu là một bó đũa, bạn không thể bị bẻ gãy'

09/05/2014 17:00 GMT+7

(TNO) Thomas L.Friedman, phóng viên của tờ New York Times, tác giả 3 lần đoạt giải Pulitzer, đã có một cuộc gặp gỡ trong đợt giới thiệu ấn bản mới của tác phẩm Thế giới phẳng của ông tại Việt Nam. Sáng 9.5, ông đã có cuộc trao đổi cởi mở với các phóng viên tại TP.HCM.

(TNO) Thomas L.Friedman, phóng viên của tờ New York Times, tác giả 3 lần đoạt giải Pulitzer, đã có một cuộc gặp gỡ trong đợt giới thiệu ấn bản mới của tác phẩm Thế giới phẳng của ông tại Việt Nam. Sáng 9.5, ông đã có cuộc trao đổi cởi mở với các phóng viên tại TP.HCM. Thanh Niên Online ghi lại cuộc trò chuyện của ông với các phóng viên.

>> Thomas L.Friedman: Những gì tôi viết trong 'Thế giới phẳng' giờ đã sai nhiều


Thomas Friedman trong buổi gặp gỡ phóng viên tại TP.HCM - Ảnh:  Thiên Hương

* Tại sao ông quyết định bổ sung thêm 2 chương mới trong lần tái bản này?

- "Thế giới phẳng" là một khái niệm thay đổi, nó ngày càng trở nên phẳng hơn, nó sinh ra ngày càng nhiều chuyển động mới hơn. Trong 2 chương mới này, tôi sẽ nói về những chuyển động mới được sinh ra. Tôi nói về việc cá nhân ngày càng trở nên quyền lực hơn, và một thứ rõ ràng hơn bao giờ hết là sự kết thúc của quyền riêng tư mỗi con người trong thế giới phẳng này.

Có 4 từ trong tiếng Anh đang và sẽ biến mất vì thế giới càng trở nên phẳng hơn:

+ Địa phương: Sẽ không còn tính địa phương nữa. Mọi thứ đều đi vào toàn cầu hóa. Nếu tôi viết tin tức ở TP.HCM này, thì ngay lập tức bản tin có thể được đọc ở Washington. Sẽ không còn địa phương nữa.

+ Quyền riêng tư: “Xin đừng chụp ảnh tôi!”- Chúc bạn may mắn. Quyền riêng tư đã kết thúc trong thế giới phẳng.

+ Trễ hơn: Trong thế giới của biến đổi khí hậu, và những thay đổi quá nhanh của môi trường, những gì bạn nói ở Việt Nam, dù là cánh rừng, con sông, nếu bạn nói muốn bảo vệ nó, hãy bảo vệ ngay bây giờ, không thì sẽ quá trễ, sẽ không còn trễ hơn, chậm hơn, sẽ không còn kịp nữa.

+ Trung bình: Chúng tôi viết một bài báo cho New York Times 2 tuần trước đây về một nông trại sữa bò mà nông dân ở đó dùng robot để vắt sữa bò. Ai đã tưởng tượng ra bạn sẽ vắt sữa bò bằng robot? Giờ chuyện đó xảy ra khắp nơi. Những công việc trung bình, đơn giản sẽ được thay thế bằng robot, các công nhân ở Việt Nam hay Trung Quốc sẽ phải làm những việc trên trung bình.

* Những gì ông viết liệu có khiến người ta quá lạc quan vào toàn cầu hóa? Còn những mặt trái của nó?

- Thế giới phẳng là nơi rất tuyệt cho văn hóa. Google giờ đây có thể giữ gìn và bảo tồn tiếng Việt. Dù bạn có đến Washington, nhờ có internet, giờ bạn vẫn có thể đọc báo tiếng Việt. Thậm chí giờ đi ăn ở Washington, bạn cũng có thể tìm được nhà hàng Việt Nam.

Nhưng mặt khác, McDonald’s đã mở cửa ở đây. Vậy là những nền văn hóa khác cũng có thể đổ vào nước bạn và tràn đầy, nhanh nhẹn bất ngờ. Những quốc gia có nền văn hóa mạnh mẽ sẽ rất tốt trong toàn cầu hóa. Nhưng nếu không đủ mạnh, bạn có thể bị nuốt chửng bởi các nền văn hóa lớn.

Một điểm nguy hiểm khác của toàn cầu hóa là sự gia tăng sức mạnh cho cá nhân đến mức khủng khiếp. Edward Snowden tung ra hết bí mật của các tổ chức tình báo bí mật. Chỉ 1 người có thể làm điều đó. Chúng ta cũng biết trong thời đại này cá nhân sẽ không còn giữ được quyền riêng tư nữa. Các chính phủ sẽ dùng hệ thống này theo dõi bạn, tìm ra bạn, khiến bạn không an toàn.

Toàn cầu hóa chính là tất cả - và toàn bộ những thứ mặt trái đi kèm với nó.

* VTC: Trung Quốc đang đưa một giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Là một nhà báo, ông có thể bình luận gì về ứng xử của Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian vừa qua?

- Tôi đã cố tìm hiểu vấn đề này. Nhưng tình cờ tôi đã ở Ukraine 2 tuần trước và sau đó đến Việt Nam. Rất thú vị. Vì cả Ukraine và Việt Nam đều là 2 quốc gia trung bình nằm cạnh một nước rất lớn.

Ukraine sống cạnh một con gấu khổng lồ. Việt Nam sống cạnh một con hổ lớn. Con gấu nói với Ukraine: Hãy cưới anh, hãy cưới anh, không thì anh sẽ giết em. Và con hổ lớn nói với Việt Nam: Bình sữa này quá ngon, anh sẽ uống của anh và cả của em. Có một sự tương đồng nào đó trong 2 trường hợp này. Và cũng rất thú vị, Nga đã sử dụng “little green men” - lực lượng dân sự tràn ngập Ukraine. Và Trung Quốc sử dụng “tàu dân sự” - rất mới. Chúng ta phải phản ứng ra sao, quả là thử thách với cộng đồng quốc tế với 2 quốc gia đang lên này.

Tôi chỉ có thể trích dẫn một ngạn ngữ xưa của chính các bạn, nếu chỉ có 2 cây đũa, rất dễ bị bẻ gãy, nhưng nếu bạn có một bó đũa, rất khó để bẻ gãy. Cách duy nhất để kìm chế được các sức mạnh đang lên là sử dụng liên minh các quốc gia trong vùng để cân bằng lại.

* Thanh Niên Online: Vậy ngoài các liên minh vùng ra, liệu còn nhân tố nào mà nước nhỏ như Việt Nam có thể tìm kiếm lợi ích trong các mâu thuẫn này không?

- Không. Không có cách nào khác! Việt Nam cần một đòn bẩy. Việt Nam chỉ có thể gia tăng sức lên cái đòn bẩy đó.

* Thanh Niên Online: Có quốc gia nhỏ nào đã thành công trong việc ứng xử trước mâu thuẫn với nước lớn không?

- Ukraine là một hình mẫu tốt. Ukraine tạo ra một liên minh với Mỹ, tạo ra một lực đẩy tác động trở lại Nga.

* HTV: Trong chương 14 về lý thuyết Dell ngăn ngừa xung đột, ông có chỉ ra: “Những nước gắn kết tương lai và kinh tế của mình vào hội nhập và thương mại toàn cầu, họ sẽ kiềm chế gây chiến với các nước láng giềng”. Xin cho chúng tôi biết việc gắn kết hội nhập của một nước như Việt Nam khi đang ở bên cạnh một láng giềng lớn như Trung Quốc?

- Hãy để tôi trả lời câu hỏi này dựa vào trường hợp của Ukraine. Sau khi Crimea trở thành một phần của Nga, Tổng thống Obama làm gì? Ông áp lệnh cấm vận kinh tế 25 người là doanh nhân và chính khách Nga. Chỉ có 25 người, cỡ như căn phòng này thôi. Có rất nhiều lời chỉ trích tại sao Obama chỉ cấm vận 25 người trong khi Nga đang “ăn” cả Crimea.

Chuyện gì xảy ra trong thế giới phẳng? 60 tỉ USD đã biến mất khỏi Nga chỉ trong quý I năm nay, còn nhiều hơn cả năm 2013 cộng lại, chỉ cần cấm vận 25 người. Thế giới không chỉ liên kết với nhau mà còn là siêu liên kết. Vì thế chỉ cần cấm vận 25 người, thị trường chứng khoán Nga sụp đổ. Đồng rúp mất giá 8%. 60 tỉ USD ra đi. Hôm qua người Nga đã rút quân khỏi biên giới.

Toàn cầu hóa không sai. Toàn cầu hóa không thể ngăn những lãnh đạo hay các quốc gia khỏi làm chuyện điên rồ. Con người vẫn sẽ làm những hành động tôn giáo cực đoan, vẫn có những hành vi chính trị điên rồ trong thế giới toàn cầu hóa này. Nhưng nếu một quốc gia làm chuyện điên rồ trong toàn cầu hóa, cái giá họ phải trả luôn lớn hơn họ nghĩ. Và cái giá phải trả sẽ đến nhanh không tưởng nổi đâu. Tôi tin đó là bài học bất cứ sức mạnh, chính phủ nào cũng phải học.

* Cảm ơn ông!

Thomas L. Friedman là phóng viên của tờ New York Times của Mỹ. Ông đã 3 lần đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer. Tại Việt Nam, độc giả đã biết đến các tác phẩm của ông như Chiếc Lexus và cây Ôliu, Thế giới phẳng, Nóng, phẳng, chật, Từng là bá chủ.

Dịp ông đến Việt Nam này, tác phẩm Thế giới phẳng về toàn cầu hóa của Thomas L.Friedman vừa được tái bản tại Việt Nam, bổ sung thêm 2 chương mới là chương 13, 14 trong quyển sách.

Thiên Hương - Khải Đơn

>> Vụ giàn khoan HD-981: Trung Quốc ngang ngược nói tàu Việt Nam tông tàu nước này 171 lần
>> Trung Quốc dùng giàn khoan HD-981 để cố ôm các tuyên bố chủ quyền phi lý
>> Đưa giàn khoan phi pháp vào biển Đông, Trung Quốc ngang ngược tố Việt Nam 'can thiệp
>> Mỹ: Trung Quốc 'khiêu khích' khi đưa giàn khoan vào biển Đông
>> Điện đàm cấp cao về việc giàn khoan Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc: Không có chuyện ngừng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.