Từ thông dịch viên trở thành ông lão ve chai
Cứ đều đặn mỗi ngày đúng 5 giờ chiều, một ông già và một đứa trẻ lại sửa soạn hành trang lên đường. Những vật dụng trên chiếc xe mưu sinh bao gồm một cây dù được cố định để che mưa, một giỏ nhựa đựng bình nước mía, 2 cái ghế ngồi khi chờ người cho ve chai, bình sữa pha sẵn và con gấu bông của cô bé.
VIDEO: Thông dịch viên 3 thứ tiếng mội thời vương giả giờ đi nhặt ve chai nuôi cháu ngoại trong niềm vui tuổi già
|
Đôi chân lệt phệt nhấc từng bước chậm rãi đẩy chiếc xe băng qua những con hẻm ngoằn nghoèo, việc đi lại khó khăn là di chứng từ cơn tai biến 5 năm trước.
Ông Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1959 ngụ ở Tân Mỹ, Q7, TP.HCM) thời trước vốn là thông dịch viên 3 thứ tiếng (Anh, Pháp, Campuchia) cuộc sống vương giả.
Từ Campuchia về, ông mua được hai căn nhà mặt phố ở quận 7. Rồi bất ngờ tai họa ập đến, tỉnh dậy sau 5 tháng hôn mê ông Phước biết mình đã trắng tay vì vợ phải bán nhà để chữa trị cho ông, đau đớn hơn cô con gái của ông cũng mang thai ở tuổi 14 khi bị một lão già hàng xóm xâm hại.
|
Sau biến cố gia đình, hiện nay vợ chồng ông cùng cháu gái ở trong một căn nhà trọ chật hẹp, vật dụng trong nhà hầu hết là đồ ve chai nhặt được và có lẽ thứ quý giá cũng chính là đống ve chai được xếp ngổn ngang trong nhà.
“Đống ve chai này là tôi đi lấy chứ chân và lưng tôi không cúi xuống để nhặt được. Bên tôi là đạo Thiên Chúa, tôi không biết có phải do Chúa khiến, mà các nhà ở chợ Tân Mỹ đều để ve chai lại cho mình. Nhờ chỗ hên đó mới có tiền đóng tiền nhà. Mỗi tuần bà ve chai đến lấy một lần được 500.000, vợ tôi phụ thêm tiền bán vé số.” ông Phước chia sẻ.
Khác biệt với những người thường kể lể chuyện buồn khổ, vất vả của bản thân, ông Phước dường như né tránh những chuyện liên quan đặc biệt là quá khứ thời “hoàng kim” của gia đình: “Kể làm gì, thời sung sướng nhắc lại làm gì, giờ khổ mà nhớ lại chuyện sướng làm gì sẽ khó sống lắm. Bị tai biến không chết là hạnh phúc rồi, đặc biệt là được nhìn thấy mặt cháu mình thì mất hết tài sản có là gì, có khi có vợ còn không thấy vui bằng có đứa cháu ngoại như vậy, vui vô cùng luôn”, ông Phúc cười nói.
|
“Nguồn sống” mang tên Lucy
Hành trình đi lấy vé chai của ông cháu kéo dài khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ, những chỗ đến thường là những chỗ quen lâu nay, hôm nào có ve chai thì họ chủ động mang ra xe cho ông cháu, đi khoảng 15 phút ông lại ngồi nghỉ, Lucy uống sữa, ông uống nước mía để sẵn trong chiếc bình, rồi cô bé lại chạy lòng vòng khu chợ, tiếng cười giỡn giòn tan.
Rít một hơi thuốc lá ông lại tiếp tục kể câu chuyện đời mình, trong từng câu lúc nào ông cũng nhắc đến Lucy. Ông kể lúc nằm liệt giường tưởng chừng như sắp chết nhưng thấy cô bé bò quanh nhà, bi ba bi bô nói chuyện khiến ông yêu đời và có động lực để “thức dậy” hằng ngày.
|
|
“Con bé dễ thương lắm, cả khu này ai cũng quý, trời phù hộ nhà thì nghèo mà con bé vẫn trắng trẻo, mập mạp thấy thương. Tôi thấy ông cháu nhà này đi lấy ve chai cũng được mấy năm rồi từ khi con bé mới vài tháng tuổi”, bà Bích Phượng tiểu thương chợ Tân Mỹ cho biết.
Tiếng Lucy nói cười rôm rả khắp cả con đường, thấy cái gì lạ cũng hỏi và bắt ông ngoại giải thích, thấy người lớn ở khu chợ đều chào hỏi, ai cũng khen cô bé ngoan và lễ phép.
Bà Nguyễn Thị Tám chia sẻ: “Ông này đáng thương lắm, gặp tai biến mất sạch tài sản giờ thì ngày nào cũng như ngày nào nắng mưa đều đi lấy ve chai để nuôi cháu, ổng nhịn ăn nhịn uống chứ sữa ổng vẫn cho nó uống đều đều. Nhiều người đến xin con bé về nuôi lắm mà ông không chịu. Nuôi từ nhỏ đến lớn, dễ gì ổng cho.”
Dù nghèo khổ, cơm ăn phải kiếm từng bữa nhưng trên vành mũ đi lấy ve chai của ông ngoại lúc nào cũng có sẵn 20 ngàn để mua quà vặt cho Lucy.
Nhắc đến cháu gái mắt ông long lanh, kể chuyện đầy hào hứng: “Lucy thích đi siêu thị lắm. Lúc nào tôi cũng để dành sẵn tiền đây cho Lucy, hai cây xúc xích là 10.000, chai nước ngọt 10.000, cây kem 5.000 nữa là 25.000”. Ông Phước lại bắt đầu nhẩm đếm, cái điệp khúc mà ông đếm đi đếm lại bao nhiêu lần vẫn không hết vui.
|
Cô bé 4 tuổi nhanh nhẹn và rất thông minh, chỉ trừ lúc ngủ còn mỗi khi thức dậy đều cười nói và xem hoạt hình nước ngoài. Có lẽ được thừa hưởng năng khiếu từ ông ngoại nên dù không đi học nhưng Lucy vẫn biết đếm và phân biệt màu sắc bằng tiếng Anh qua chương trình tivi.
“Tôi tin rằng sau này Lucy sẽ học rất giỏi và thành công. Cũng thật may mắn khi có nhà hảo tâm ở quận 7 thấy hoàn cảnh đáng thương nên họ lo cho Lucy đi học chứ với cuộc sống hiện giờ tôi đâu lo được, tôi tên Nguyễn Hữu Phước và tôi thấy tôi có phước thật”, ông Phước nói.
Bà Huỳnh Thị Phượng, vợ ông Phước thêm: “Cuộc sống hiện tại không khá giả nhưng ít ra mình còn có được cơm ăn còn hơn nhiều người. Chồng sống lại, cháu mình lớn lên hàng ngày với tôi thế là thỏa mãn.”
|
Cuộc sống trong căn nhà nhỏ thiếu vật chất nhưng không lúc nào thiếu tình yêu thương. Có thể Lucy là kết quả cay đắng của cuộc đời con gái ông nhưng Lucy cũng chính là thiên thần nhỏ mang lại “nguồn sống” cho gia đình bé nhỏ.
Hỏi đến ước mơ, vợ chồng ông Phước chỉ cười rồi nhỏ nhẹ bảo “Ước sống lâu hơn một chút để có thể nhìn thấy Lucy thành đạt. Còn lại, tôi chẳng mong gì cho mình cả”.
Bình luận (0)