Trước đó, trong đêm thơ nhạc lửa trại tại Bãi Chồng, tiến sĩ Venkat Reddy nói chi tiết hơn: “Chúng tôi rất hạnh phúc khi đặt chân đến Cham Island. Biển ở đây xanh trong và rất sạch. Ở Ấn Độ, biển không được vậy. Biển xanh, rừng xanh nuôi dưỡng con người.
Nếu con người không góp phần nuôi dưỡng chúng thì tương lai sẽ là thảm họa. Tôi đặc biệt thích thú khi tại đây có dấu vết của người Chăm. Đó là một trong những nền văn minh của nhân loại”. Khi được hỏi ông nghĩ gì trước tin Cù lao Chàm trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Reddy giơ lên một ngón tay: “Đó là quyết định thật cần thiết trước khi hiệu ứng nhà kính lan ra khắp toàn cầu. Tôi bỏ phiếu ủng hộ cho Cù lao Chàm và cho tất cả người dân trên đảo. Họ rất thân thiện và tốt bụng...”. Reddy có 2 năm công tác tại Đà Nẵng với nhiệm vụ dạy tiếng Anh trong dự án hợp tác văn hóa - giáo dục giữa hai chính phủ Ấn - Việt. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi ông đọc thơ Tagor và hát dân ca Ấn Độ trong đêm Bãi Chồng.
Ngày 26.5.2009, Cù lao Chàm và Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. “Với danh hiệu mới này, lịch sử Cù lao Chàm thêm trang mới. Đây chính là thời cơ tốt để khai thác nền kinh tế du lịch cho Cù lao Chàm và Hội An”, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An nói. |
Nếu ông bà Venkat Reddy- Sumalini là khách du lịch một đêm tại Bãi Chồng thì Asako có đến 2 năm công tác tại Hội An - Cù lao Chàm. Năm nay 30 tuổi, Asako là tình nguyện viên Nhật Bản, tham gia dự án giáo dục môi trường tại đây. Cô đã có rất nhiều đêm không ngủ tại Bãi Ông bởi “gió biển và tiếng sóng nghe thật hiền hòa, thân ái”. Cô nói: “Tôi hy vọng những gì tôi và các bạn Việt Nam làm được tại đây với tư cách giáo dục viên môi trường sẽ là thông điệp về giá trị vô giá của Cù lao Chàm, vùng biển đảo tuyệt vời mà hồi ở Tokyo tôi chưa từng biết”.
2. Lâu nay, do không chỗ đổ rác, người dân Cù lao Chàm rất khổ tâm. Đổ xuống biển thì xấu biển. Chôn xuống đất thì đục nước ngầm. Chỉ có cách mang lên núi, đốt. Nhưng đốt rác, cháy rừng. Vậy là đành làm lén, tối xuống, đem rác đổ ra cửa sông. Bao ni-lông dập dềnh khắp nơi. Chưa kể nguồn rác do các tàu thuyền thải xuống, rác từ ngoài khơi tấp vô đảo theo mùa. Hơn 3 lần đến Cù lao Chàm, tôi thật sự nhức mắt trước cảnh tượng túi ni-lông vương vãi. Loại túi này là thành quả của con người nhưng giờ đây là thủ phạm tiềm ẩn của môi trường. “Hồi trước, bà con ở đây dùng lá, dùng giấy để bao gói là chính. Từ ngày có bao ni-lông, ai cũng đi chợ tay không. Cá cũng bao ni-lông. Mắm cũng bao ni-lông. Chè cũng bao ni-lông. Về nhà, dùng xong rồi vứt bao xuống sông”, bà Nguyễn Thị Thu nói trước cửa chợ Cù lao Chàm. Trên tay bà là là cái rá nhựa. “Nghe dùng bao ni-lông không tốt nên tôi cầm rá đi chợ”. Tôi... vặn lại, có phải do bà nghe theo lời của ông Nguyễn Sự? “Đâu có. Mình thấy cái chi đúng thì làm thôi”. Bà cười chất phác.
|
Ông Nguyễn Sự là Anh hùng Lao động, Bí thư Thành ủy Hội An. Nguyễn Sự gắn bó với bà con trên đảo từ 1994, thời mà người đau phải khiêng bằng cáng, xây cầu tiêu lên bà con dùng làm nơi... chất củi. Ông và người dân trên đảo khá thân thuộc, hiểu tính nết nhau. Mới đây, trong cuộc họp dân bên thềm biển, hàng trăm cánh tay giơ lên rất dứt dạt khi ông hỏi: “Bà con có làm sạch biển được không?”. Nhưng bỏ bao ni-lông thì đi chợ bằng gì? Ông đã cùng nhà tài trợ Á Đông Silk tặng mỗi gia đình trên đảo 2 cái giỏ nhựa, xanh và đỏ. Xanh đựng đồ sạch, đỏ đựng cá mắm... “Từ giờ đây, bà con dùng lại giỏ nhựa như ngày xưa, không đụng tới bao ni-lông nữa.
Ai đi chợ tay không là không được. Còn cái gì cần đựng như chè, mắm thì có bao tự hủy”. Nói là có. Ngay sau đó, khoảng 20 người buôn bán trên đảo được cấp không 3.000 chiếc túi PLG, tự hủy trong vòng 3 tháng. Chiều 22.5, các nhóm du khách đến từ Pháp, Anh và Hà Nội đã nhận được những chiếc túi PLG đầu tiên khi họ vừa đặt chân lên cầu cảng Cù lao Chàm. Các vị khách tỏ ra thú vị khi được cùng “Nói không với bao ni-lông” với người dân xã đảo. Một du khách Pháp nói: “Chúng tôi vinh hạnh được tham gia chương trình này. Trái đất rất mỏng manh. Nếu loài người cùng chung hành động như các bạn thì không gì bằng”.
|
3. Các nhóm du khách ra đảo hơi trễ. Họ mất cơ hội chứng kiến cảnh hàng trăm bộ đội, công chức, ngư dân, học sinh tham gia thu vớt túi ni-lông và các loại rác khác, làm sạch môi trường tại Bãi Hương, Bãi Ông, Bãi Làng. Tình nguyện viên Asako và Nguyễn Ngọc Phương, đến từ Phòng Tài nguyên - Môi trường Hội An, gần như cúi gập người xuống những gộp đá để nhặt bằng hết bao ni-lông. Bộ đội trên đảo - mệnh danh “lính đỏ” - cũng hào hứng tham gia. Chính họ, chứ không ai khác, là lực lượng bảo vệ rừng hữu hiệu nhất từ trước đến nay.
Anh Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT TP Hội An, một trong những người khai sinh khu du lịch Bãi Chồng, nói: “Không phải đây là lần đầu chúng tôi ra quân làm sạch biển. Lần này là chương trình lớn, có lộ trình hẳn hoi. Khi Cù lao Chàm thành công, hiệu ứng sẽ lan vô Hội An. Vùng dự trữ sinh quyển kéo dài từ Cửa Đại. Không lý gì Cù lao Chàm làm được mà Hội An không làm được”. Tôi nhớ mãi cuộc trò chuyện với nhóm bà con tại Bãi Làng. Họ ngạc nhiên pha thích thú khi được biết, qua mạng internet, mọi hình ảnh, tiếng nói của họ sẽ được truyền đến toàn thế giới.
Nhưng nếu ai cũng xả rác, mỗi du khách chụp một tấm ảnh đưa lên mạng thì còn chi thể thống? Bà Cao Thị Tám, được đám đông đẩy ra trước máy ghi âm, thiệt thà nói: “Du khách ưng lắm chớ. Có họ mình bán được cua đá, vú nàng, rau rừng. Nếu vì rác mà họ không tới thì mình đừng xả rác. Ai cũng cầm giỏ đi chợ như tui thì làm chi có rác”.
Ông Nguyễn Sự nói với tôi: “Đã đến lúc nghĩ đến cơ chế mới cho các vùng biển đảo như Cù lao Chàm đủ thế và lực vươn lên làm giàu thay vì chờ nhận trợ cấp theo mùa như lâu nay. Điện quốc gia phải ra được đảo cùng với các nguồn năng lượng khác. Bãi Hương làm du lịch nhà dân mà điện khi trồi khi sụt, không internet thì bao nhiêu khách ở? Dự án cao cấp ở Bãi Bìm có phần chậm chính do nhà đầu tư phải è vai gánh một lúc quá nhiều thứ không phải của mình. Mấy chục năm qua, chúng tôi bảo vệ, nuôi dưỡng rừng biển Cù lao Chàm và hôm nay, thật vui mừng khi UNESCO đã công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đây chính là nền tảng tốt, thời cơ tốt để khai thác nền kinh tế du lịch cho Cù lao Chàm và Hội An. Với danh hiệu mới này, lịch sử Cù lao Chàm thêm trang mới. Dự án môi trường tại đây vẫn sẽ được duy trì và đẩy mạnh hơn trong mắt nhìn thế giới. Lãnh đạo Quảng Nam, lãnh đạo Hội An và người dân cù lao quyết làm. Và làm cho kỳ được”.
Cù lao Chàm là phần kéo dài về phía Đông Nam của khối núi đá granit (đá hoa cương) Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà, mà các nhà địa chất gọi là “phức hệ Hải Vân” được hình thành khoảng 230 triệu năm trước đây. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Họ cũng kiếm sống bằng nghề khai thác tổ yến và vẫn thường nói: “Bảo vệ thiên nhiên tốt bao nhiêu là mang lại điều kiện sống tốt cho chim yến và cuộc sống người dân địa phương bấy nhiêu”. Việc xây dựng Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm – Hội An sẽ góp phần bảo tồn cả những giá trị thiên nhiên và văn hóa, con người. Và môi trường tạo ra những nguồn thu nhập kinh tế biển từ việc bảo tồn nguồn lợi đa dạng sinh học, kinh tế sinh thái, kinh tế xanh từ phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa gắn với việc nâng cao ý thức trách nhiệm, công dân sinh thái giáo dục và nghiên cứu khoa học ở một vùng đất vốn giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Nguồn: Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm |
Bài & ảnh: Đặng Ngọc Khoa
Bình luận (0)