Thông điệp hòa bình của Việt Nam

31/05/2009 23:47 GMT+7

Hôm qua, vấn đề biển Đông trở nên nóng khi Hội nghị an ninh châu Á - Thái Bình Dương bàn về vấn đề minh bạch và ngoại giao quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, trong lời mở đầu bài tham luận mở màn phiên họp toàn thể bàn về vấn đề ngoại giao quốc phòng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói rằng: “Chúng tôi mang đến một thông điệp rõ ràng về nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy ngoại giao quốc phòng cùng các đồng nghiệp và các đối tác đóng góp vào nhận thức chung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và phát triển trên một nền hợp tác an ninh ngày càng vững chắc”. Bài phát biểu đề cập những nguyên tắc căn bản trong ngoại giao quốc phòng và xác định lập trường của Việt Nam: “Không liên minh quân sự; không liên minh với nước này để chống lại nước khác; không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; không chạy đua vũ trang, chỉ từng bước hiện đại hóa quân đội và tăng cường tiềm lực quốc phòng để phòng thủ, bảo vệ đất nước”. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cam kết hợp tác của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống và duy trì ổn định khu vực.

Liên quan đến vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định: “Đối với những tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại, Việt Nam chủ trương giải quyết bằng giải pháp chính trị thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về biển năm 1982”. Ông cũng nhấn mạnh: “Việt Nam đã cùng các bên liên quan ký tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông và đang tiếp tục xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, để đưa khu vực này, vùng biển này trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển”.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Singapore Teo Chee Hean trong phiên thảo luận về minh bạch quốc phòng đã kêu gọi các nước tôn trọng Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Ông nói: “UNCLOS đã được lập ra một cách khôn ngoan. Nó định nghĩa ranh giới thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của những quốc gia ven biển, cũng như quyền sử dụng, khai thác vùng lãnh hải của mỗi quốc gia và quyền sử dụng chung của cộng đồng quốc tế... Nó cung cấp khung pháp lý cho nhiều vấn đề. Vì vậy, UNCLOS cần được tôn trọng”. Mặt khác, ông thừa nhận UNCLOS là văn bản pháp lý phức tạp, một số định nghĩa có thể tạo ra những vùng chồng lấn nên “các quốc gia liên quan cần xem lại luận chứng cho những tuyên bố chủ quyền của mình, đồng thời phải cân đối giữa quyền lợi của mình và quyền sử dụng chính đáng những không gian chung của cộng đồng quốc tế”.

Trước đó, sự cam kết tham gia đảm bảo an ninh trong khu vực mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định hôm 30.5 được tin là một nhân tố quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề biển Đông.

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.