Thông điệp về một Việt Nam năng động, đổi mới tại G20

Mai Hà
Mai Hà
16/11/2024 06:35 GMT+7

Lần thứ 5 được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 dù VN đang không giữ vị trí chủ tịch luân phiên các tổ chức đa phương, cho thấy cộng đồng quốc tế ngày càng coi trọng vai trò của nền kinh tế VN.

Nâng cao vị thế VN

Rạng sáng nay 16.11 (giờ VN), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao rời Hà Nội tới Rio de Janeiro (Brazil) theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil, Chủ tịch G20 năm 2024 Luiz Inácio Lula da Silva và phu nhân. Sau 3 ngày dự hội nghị và có các hoạt động song phương quan trọng tại một trong những nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, Thủ tướng và phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Dominica từ ngày 19 - 21.11, theo lời mời của Tổng thống Luis Abinader và phu nhân.

Thông điệp về một Việt Nam năng động, đổi mới tại G20- Ảnh 1.

Chuyến công tác tới Nam Mỹ, tham dự G20 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ truyền tải thông điệp về một VN năng động, đổi mới

Ảnh: VGP

Trước đó, VN từng được mời dự G20 khi giữ cương vị Chủ tịch APEC 2017, ASEAN 2010 và 2020. Song điểm đặc biệt đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ tham dự G20 dù VN đang không giữ cương vị chủ tịch luân phiên tổ chức đa phương nào. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, điều này cho thấy cộng đồng quốc tế, trong đó có chủ nhà Brazil, ngày càng coi trọng vai trò của nền kinh tế VN trong nền kinh tế thế giới, cũng như ảnh hưởng và đóng góp của VN tại các cơ chế đa phương toàn cầu.

Ngoài các thành viên chính thức là những nền kinh tế hàng đầu thế giới, G20 năm nay có sự tham dự của 19 lãnh đạo các nước khách mời và lãnh đạo 15 tổ chức quốc tế chủ chốt. Với chủ đề "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững" trong năm 2024, nước chủ nhà G20 Brazil thúc đẩy 3 ưu tiên gồm: thúc đẩy bao trùm xã hội và chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu.

Dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ bày tỏ quan điểm về các vấn đề toàn cầu, trong bài phát biểu tại hai phiên họp ngày 18 và 19.11 với hai chủ đề quan trọng, "Cuộc chiến chống đói nghèo" và "Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng". Người đứng đầu Chính phủ VN sẽ chia sẻ những bài học quý báu về chống đói nghèo, lĩnh vực VN nhiều kinh nghiệm và đã đạt thành tựu to lớn, được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Thủ tướng cũng sẽ giới thiệu đến hội nghị việc VN đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư vào năm 2025...

Trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng sẽ có một loạt các hoạt động quan trọng như hưởng ứng Lời kêu gọi hành động về Cải cách quản trị toàn cầu. Đây là văn kiện quan trọng của G20 phản ánh quyết tâm của khối về cải cách và hiện đại hóa các thể chế quốc tế quan trọng như LHQ, Tổ chức Thương mại Quốc tế và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tham dự Lễ phát động Sáng kiến "Liên minh toàn cầu chống Đói nghèo" với tư cách thành viên sáng lập… Sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ về một VN năng động, đổi mới, sẵn sàng chung vai gánh vác những trách nhiệm toàn cầu.

Mở ra giai đoạn hợp tác mới với Brazil và Dominica

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Tổng thống Brazil Lula da Silva để rà soát triển khai các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm chính thức Brazil vào tháng 9 năm ngoái. Hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi các định hướng lớn, các biện pháp thực chất nhằm thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Thủ tướng cũng sẽ tham dự một số hoạt động song phương với Brazil nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, khánh thành biển kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Rio de Janeiro. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989, VN và Brazil đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Quan hệ Đối tác toàn diện giữa VN và Brazil được thiết lập từ năm 2007 đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ trên tất cả các lĩnh vực.

Chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ VN vì vậy được kỳ vọng sẽ góp phần đưa quan hệ song phương VN - Brazil lên tầm cao mới, tăng cường cam kết và tin cậy chính trị, mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn, đưa quan hệ phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Thông điệp về một Việt Nam năng động, đổi mới tại G20- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các thầy cô giáo tiêu biểu đại diện 1,6 triệu giáo viên cả nước

Ảnh: Nhật Bắc

Với Cộng hòa Dominica, chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng tới nước này sẽ tạo động lực thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh khu chế xuất, năng lượng - dầu khí, viễn thông và du lịch.

Quan hệ giữa VN và Cộng hòa Dominica bắt nguồn từ năm 1965 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp nhà cách mạng Juan Bosch - Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Dominica khi ông sang Hà Nội dự Hội nghị các nước Mỹ Latin đoàn kết với VN. Hai nước đang hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025. Dominica đánh giá cao thành tựu và vị thế của VN trong việc làm cầu nối nước này với khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ VN cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế trong khuôn khổ hội nghị G20. Đây là dịp để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, tiếp tục triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của VN.

Rà soát chế độ đãi ngộ để giáo viên có mức lương tương xứng

Chiều 15.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trên toàn quốc nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20.11.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết tính cả khối công lập và ngoài công lập, trên cả nước hiện có 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề và đại học. Đây là năm thứ 4 Thủ tướng gặp mặt, tri ân các thầy cô nhân Ngày nhà giáo VN, cho thấy sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ với ngành giáo dục đào tạo.

Nhấn mạnh ngày 20.11 có thể xem như "ngày tết" của các thầy cô giáo, là ngày thiêng liêng khẳng định truyền thống "tôn sư, trọng đạo" của dân tộc VN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò quan trọng của giáo dục trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.

Vượt qua sự tàn phá của chiến tranh, những khó khăn do bao vây, cấm vận, ngành giáo dục VN đã vươn lên, khẳng định mình, đạt được những thành tựu rất đáng tự hào so với quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người và cơ sở vật chất… Trong bối cảnh VN hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu.

Thủ tướng yêu cầu sự nghiệp GD-ĐT phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, phải được xây dựng thực sự chất lượng và sáng tạo, để GD-ĐT VN đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Theo đó, cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện luật Nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học; đẩy mạnh phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại... Sớm khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần "ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên".

"Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy giỏi, người thầy tốt. Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.