Thống đốc: 'Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/11/2024 10:57 GMT+7

Cho biết dư nợ lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 20 - 21% tổng dư nợ nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không cấm các ngân hàng cho vay bất động sản.

Sáng 11.11, tại phiên chất vấn kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, nêu vấn đề chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản Việt Nam mới chiếm tỷ lệ là 20%. Trong khi đó, ở Trung Quốc có thời điểm dư nợ tín dụng bất động sản lên tới 30%.

Thống đốc: 'Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản'- Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sáng 11.11

ẢNH: GIA HÂN

Như vậy, vẫn còn dư địa cho vay bất động sản ở Việt Nam hiện nay. "Đề nghị Thống đốc cho biết quan điểm về vấn đề này?", đại biểu Khánh chất vấn.

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xử lý như thế nào tình trạng "chạy sô" tăng trưởng của một số tổ chức tín dụng và giải pháp nào để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản?

Thống đốc: 'Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản'

Phúc đáp các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, hiện dư nợ tín dụng đối với bất động sản khoảng 20 - 21% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Bà Hồng khẳng định, việc các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của tổ chức tín dụng, tùy thuộc vào nguồn vốn của họ huy động.

Hiện 80% tiền gửi ở Việt Nam là ngắn hạn nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản cũng cần đảm bảo nguyên tắc để người dân rút tiền.

"Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm cho vay bất động sản", bà Hồng nhấn mạnh.

Thống đốc: 'Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản'- Ảnh 2.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 11.11

ẢNH: GIA HÂN

Về quản lý rủi ro tín dụng trong lĩnh vực này, bà Hồng nêu, khi quyết định cho vay, các tổ chức tín dụng không chỉ đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản. Bởi vì có thể doanh nghiệp bất động sản vẫn có thể trả nợ được nhưng tổ chức tín dụng cũng không cho vay vì họ huy động nguồn vốn ngắn hạn trong khi dự án lại cần vốn lớn và kỳ hạn dài.

"Trong giám sát, Ngân hàng Nhà nước có chỉ tiêu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không được vượt quá 30%. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có cảnh báo với các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống", bà Hồng nêu.

Có thể giảm lãi suất được không?

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) nêu lãi suất tại các nước lớn có xu hướng giảm, đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng gây áp lực lên tỷ giá của tiền Việt Nam; qua đó gây áp lực lên giá các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam và làm tăng giá thành.

Ông Tuấn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là về tỷ giá; đồng thời chỉ rõ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Việt Nam có nên tiếp tục điều chỉnh lãi suất hay có các chính sách can thiệp khác để hạn chế tác động của lạm phát nhập khẩu không? Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước có nên thay đổi chính sách dự trữ ngoại hối để đối phó với biến động tỷ giá khi tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay?

Thống đốc: 'Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản'- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đề nghị cho biết có nên tiếp tục giảm lãi suất không?

ẢNH: GIA HÂN

Trả lời các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, diễn biến thị trường tiền tệ biến động phức tạp, đồng đô la Mỹ cũng biến động ở mức cao, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối trong nước.

Việc điều hành tỷ giá và ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường hiện nay, cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5%.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân.

Đối với việc giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc này sẽ tác động đến tỷ giá. Do đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân.

Tuy nhiên, nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Thống đốc Hồng, việc tiếp tục giảm lãi suất hay không hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới, trong nước, đặc biệt là diễn biến về thanh khoản, tình trạng của hệ thống ngân hàng.

"Thời gian qua, Việt Nam đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi để điều hành", bà Hồng nêu rõ.

Còn về dự trữ ngoại hối nhà nước, bà Hồng cho biết, nguyên tắc quản lý là đảm bảo an toàn và đảm bảo thanh khoản và sinh lời. Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện theo hướng an toàn thanh khoản là chủ yếu; và sẽ tính toán phương án sinh lời ngoại hối theo hướng tốt nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.