Sáng 24.5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trình bày “Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42”.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo sáng 245 |
NT |
Theo số liệu từ báo cáo của NHNN, lũy kế từ 15.8.2017 đến 31.12.2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 380.200 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42, bằng 47,9% số nợ xấu đã xác định thời điểm đó và số phát sinh.
Trong đó, nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý có 148.000 tỉ đồng là do khách hàng tự trả nợ (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012 - 2017 do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý. Đồng thời, kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của TCTD và VAMC đạt 77.200 tỉ đồng, chiếm 20,3%.
Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỉ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỉ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, xử lý nợ xấu còn nhiều hạn chế, khó khăn xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ xấu, về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, còn một số TCTD chưa chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, tòa án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất khi áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết số 42.
Bên cạnh đó, có những khách hàng không có ý thức tự giác, trốn tránh trả nợ, không bàn giao tài sản đảm bảo, chống đối, tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản đảm bảo để khởi kiện ra tòa làm kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo.
Về chính sách kéo dài Nghị quyết, Thống đốc NHNN cho biết, đến hết ngày 15.8.2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 sẽ không được áp dụng. Việc này sẽ kéo dài quá trình xử lý nợ xấu; không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD…
Vì vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31.12.2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện luật Các TCTD và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.
Bình luận (0)