Thống kê cần chuẩn xác

06/11/2015 07:25 GMT+7

Công tác thống kê rất cần cho việc hoạch định chính sách, vì vậy cần phải chuẩn xác, đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Thống kê sai lệch do bệnh thành tích đăng trên Thanh Niên ngày 5.11.

Công tác thống kê rất cần cho việc hoạch định chính sách, vì vậy cần phải chuẩn xác, đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Thống kê sai lệch do bệnh thành tích đăng trên Thanh Niên ngày 5.11.

Sẽ làm lệch chính sách
Hoạt động thống kê rất cần cho một địa phương và cả một quốc gia, vì từ đó sẽ thiết kế những chính sách sát thực tế. Còn nếu để có những “con số đẹp” thì chính sách sẽ khó đi vào cuộc sống. Chính vì điều đó nên thời gian qua, có nhiều chính sách hoàn toàn không thể thực hiện được. Đây là một căn bệnh rất nguy hiểm. Những mục tiêu phấn đấu cho 3 năm, 5 năm là rất cần thiết, nhưng nếu dựa vào con số thống kê ảo thì sẽ không bao giờ thực hiện được.
Ngọc Duy (ngocduy1958@yahoo.com)
Chế tài là cần thiết
Tôi rất đồng ý với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là nên có biện pháp chế tài đối với người làm công tác thống kê mà cứ liệt kê để báo cáo lên trên những con số đẹp, tròn trịa. Đó là báo cáo láo và sự nguy hại từ những báo cáo thành tích này thì ai cũng rõ. Ví dụ, mới đây Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra một con số cho thấy thực trạng về ngân sách hiện nay là chỉ còn 45.000 tỉ đồng. Con số này đã làm nhiều người giật mình, nhưng tôi tin đó là con số thực. Biết rõ sự thật để có giải pháp, có hướng phấn đấu còn hơn là bị “hoa mắt” với những con số ảo.
Hoàng Dung (dung70@gmail.com)
Nên lấy con số từ kiểm toán quốc tế
Con số thống kê, theo tôi là nên tổng hợp từ các công ty kiểm toán quốc tế độc lập, tất nhiên là nhất thiết không phải chịu áp lực bất cứ từ đâu. Họ thống kê với một phương pháp khoa học và đúng thông lệ quốc tế. Chẳng hạn như với GDP của quốc gia, họ sẽ có số liệu và phân tích rất rõ ràng, chứ không nên tập hợp từ những con số của các tỉnh, thành đưa lên. Vì địa phương nào cũng ủ căn bệnh thành tích, muốn mình có con số đẹp, hoàn hảo.
Văn Phương (phuongvan90@yahoo.com)
Xem lại các con số dự báo
Thời đại hội nhập toàn cầu mà còn ngồi “vẽ” ra các chỉ tiêu cho CPI của hàng tháng, hàng năm sau thì thật lạ lùng. Trong khi thị trường thế giới cập nhật từng phút cho một loại sản phẩm, thì làm sao bắt kịp. Ví dụ, với giá cà phê, xăng dầu, cao su, là những mặt hàng chiến lược, có thể thay đổi từng ngày, trong khi đó mình vẫn không cập nhật, rốt cuộc thì làm ăn theo kiểu nào, khi những mặt hàng này nhập khẩu, xuất khẩu đều liên thông với thế giới?
Bảo Châu (chaubao1963@gmail.com)
 
       
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã rất thẳng thắn khi đề cập vấn nạn thống kê hiện nay và cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến số liệu chưa chính xác là do bệnh thành tích của các ngành, các cấp. Hệ quả là sai lệch, là bất cập, không chính xác khiến việc điều hành, quản lý từ trung ương đến địa phương cũng “lệch” theo hướng tiêu cực. Thống kê như thế thì làm sao quản lý tốt được?
Nguyễn Hưng
(TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
       
Để chống bệnh thành tích, đề nghị phải đưa vào luật Thống kê (sửa đổi) các hình thức chế tài đối với những cá nhân, tổ chức cung cấp, tính toán số liệu thống kê, chứ không thể để các bộ, ngành hoặc các địa phương “tự tung, tự tác” số liệu như hiện nay.
Mai Anh Sáng
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
An Phong - Bùi Chiến (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.