“Thông minh” bất đắc dĩ

28/10/2012 03:05 GMT+7

Những thông tin được công bố tại Hội nghị Phòng chống nhập lậu gia cầm qua biên giới do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26.10 khiến mọi người phải rùng mình. Đó là mỗi năm có khoảng 70.000 - 100.000 tấn gà đẻ thải loại được nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Đó là gà lậu vẫn được vận chuyển nghênh ngang tại Hạ Long, chạy một mạch từ Quảng Ninh về tới chợ Hà Vĩ. Cứ như thế, gà thải loại nhập lậu xuất hiện tràn lan trên thị trường Việt Nam như chẳng có ai kiểm soát. Trong khi đó, loại gà này ẩn chứa nguy cơ đáng sợ vì để lâu, ướp hóa chất độc hại.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên người dân phải rùng mình vì tình trạng thực phẩm, nguyên phụ liệu nấu ăn thiếu an toàn cho sức khỏe hay được nhập lậu nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Hồi tháng 10.2011, dư luận xôn xao về vụ 108 tấn chân gà thối, bốc mùi nhưng vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam. Hồi tháng 8, Thanh Niên lại có loạt bài về việc người làm giá ăn chẳng ngần ngại sử dụng những hóa chất không rõ nguồn gốc từ khâu đầu đến khâu cuối để cọng giá mập mạp, trắng đẹp. Rồi tình trạng chế biến cà phê “đểu”. Cũng trong tháng 8, TS Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từng cho biết phụ gia thực phẩm được sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, từ 5 - 10%. Còn lại là nhập chính ngạch hoặc nhập lậu không rõ nguồn gốc. Tình trạng trên cũng xảy ra cả trong nhóm thực phẩm được cho là cao cấp. Cuối năm 2011, nhiều người giàu phải ngã ngửa khi loại thực phẩm có tên “thịt bò Kobe”, mà họ tốn rất nhiều tiền để ăn, là loại nhập lậu và chưa được kiểm định.

Như vậy, tình trạng thực phẩm, nguyên phụ liệu nấu không đảm bảo chất lượng, ẩn chứa nguy cơ gây hại sức khỏe người tiêu dùng tồn tại từ loại hàng phổ thông đến cao cấp, đâu đâu cũng có. Thế nhưng, trong vụ nhập lậu gà thải loại từ Trung Quốc, Chi cục trưởng Thú y tỉnh Quảng Ninh Đoàn Duy Ái thừa nhận: “Phải nói thẳng, nói thật là các ngành chức năng làm không hết trách nhiệm”. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng phải thốt lên rằng “ăn chi toàn đồ bẩn” khi đi khảo sát thực tế. Trong bối cảnh như thế, người dân chẳng còn cách nào ngoài cách phải phát huy sự thông minh để tự nhận diện đâu là thực phẩm không đảm bảo. Thực tế, người dân đã đưa ra các cách nhận biết như gà thải loại là “gà đầu trọc”, giá ăn được ủ hóa chất thì mập mạp và trắng đẹp hơn loại thường. Người giàu thì tự nghiên cứu tìm hiểu chỗ nào cung cấp “thịt bò Kobe” thứ thiệt. Tóm lại, dân chúng đang phải thông minh bất đắc dĩ để không bị “dính hàng” giữa muôn trùng thực phẩm độc hại. Có lẽ, hiếm có nước nào trên thế giới mà người dân phải tự trang bị nhiều khái niệm như vậy để mua thực phẩm. Khi người dân phải thông minh bất đắc dĩ như thế thì đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng bất lực.

Tất nhiên, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trước tình trạng này chứ không thể như thế. Vì vậy, Chính phủ cần đề ra một chiến lược toàn diện, kết hợp các cơ quan liên quan từ: biên phòng, quản lý thị trường, công an đến ngành y tế... Chiến lược này phải siết chặt tất cả các khâu trong quy trình cung cấp thực phẩm cho người dân. Mỗi cơ quan phải gắn liền với trách nhiệm cụ thể cùng biện pháp kỷ luật khi không hoàn thành công việc.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.