Trao đổi với Thanh Niên, Đại sứ quán VN khẳng định thông tin về việc gia đình ngư dân VN bị bắt tại Thái Lan phải đóng 8 triệu đồng cho Đại sứ quán để mua vé máy bay là không đúng.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam làm việc với cảnh sát trại giam Pattani (Thái Lan) về vấn đề ngư dân VN, hồi tháng 11.2015 - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam |
Nhằm làm sáng tỏ những thông tin trên mạng xã hội về việc “đút lót” để ngư dân VN bị bắt tại Thái Lan được giảm án tù và trả về nước, ngày 29.11, ông Trần Mạnh Hùng, bí thư thứ 1 phụ trách bảo hộ công dân Đại sứ quán VN (ĐSQ) tại Thái Lan có cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên.
Xin ông cho biết thông tin về việc ngư dân phải trả 12 - 20 triệu đồng/người (thuyền viên) và 80 - 120 triệu đồng/người (tài công) có đúng không? Nếu có, liệu rằng đây là hành động bất hợp pháp của gia đình các ngư dân Việt Nam? ĐSQ sẽ có động thái gì?
Ông Trần Mạnh Hùng: Theo luật pháp Thái Lan, khi tàu thuyền đánh cá nước ngoài vi phạm vùng biển Thái Lan bị bắt có thể bị kết án tù, phạt tiền thay ở tù, hoặc chịu cả hai mức án vừa bị tù vừa bị phạt tiền và bị tịch thu phương tiện… tùy theo phán quyết của tòa.
Như vậy, thông tin về việc công dân ta phải trả chi phí 12 - 20 triệu đồng/người đối với thuyền viên và 80 - 120 triệu đồng/người đối với tài công để được miễn ngồi tù, nhanh chóng về nước là có thể đúng.
Đóng tiền phạt thay cho ngồi tù là quy định của hầu hết các địa phương của Thái Lan. Tuy nhiên, cá biệt có địa phương (tỉnh Narathiwat) không chấp nhận cho đóng tiền thay ngồi tù, yêu cầu phải thụ đủ án tù mới thả. Vừa qua ĐSQ đã trực tiếp làm việc với tỉnh này, đề nghị tạo điều kiện cho các trường hợp có điều kiện đóng tiền nộp phạt, tuy nhiên chưa có kết quả.
Hầu hết bà con đều mong muốn thân nhân được trở về nước sớm nên đã liên hệ với cảnh sát Thái Lan thông qua người phiên dịch (do cảnh sát Thái Lan thuê) để giải quyết theo hướng này. Đây là việc làm đúng theo quy định của pháp luật sở tại.
Ông có thể cho biết về thông tin gia đình ngư dân đóng 8 triệu đồng cho ĐSQ VN, và chia sẻ những thông tin cần thiết về thủ tục đưa công dân Việt Nam mãn hạn tù về nước?
Thông tin về việc gia đình ngư dân phải đóng 8 triệu đồng cho ĐSQ VN để mua vé máy bay là không đúng. Công dân vi phạm luật pháp các nước phải tự chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Do vậy, để đưa bà con về nước, chủ tàu hoặc gia đình bà con phải chi trả mọi chi phí theo quy định, trong đó có chi phí phương tiện về nước (đường hàng không, đường bộ…) và các chi phí khác.
Nếu chủ tàu hoặc thuyền trưởng có hành vi cố ý đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải chi trả toàn bộ kinh phí này.
Về thủ tục cụ thể, ĐSQ đề nghị bà con, ngay sau khi thân nhân bị phía Thái Lan bắt giữ, cần liên hệ với Sở Ngoại vụ địa phương nơi cư trú để đề nghị giúp đỡ và đóng tiền tạm ứng vào Quỹ Bảo hộ công dân (thuộc Bộ Ngoại giao). Số tiền này hiện nay trung bình khoảng 5 triệu đồng, do liên quan đến chi phí thực tế mua vé máy bay và cũng dùng để thanh toán một số khoản khác theo quy định. Sau khi đưa công dân về nước, Quỹ Bảo hộ công dân sẽ quyết toán với chủ tàu hoặc gia đình với đầy đủ chứng từ liên quan.
Đối với trường hợp chủ tàu hoặc gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có đủ kinh phí chi trả hoàn thành thủ tục về nước, đề nghị chủ tàu hoặc gia đình ngư dân liên hệ với Sở Ngoại vụ địa phương nơi cư trú hoặc Quỹ Bảo hộ công dân để được hướng dẫn giải quyết. Về phía ĐSQ, chúng tôi cũng sẽ cố gắng thông qua các kênh khác nhau hỗ trợ bà con về nước mà không mất chi phí trong thời gian sớm nhất.
Về thông tin nhiều ngư dân Việt Nam trong tù bị chính người cùng buồng giam đánh đập và hành hạ, ĐSQ bình luận gì về việc này?
Thông thường, khi nhận được thông tin về việc ngư dân bị bắt, ĐSQ liên lạc ngay với các cơ quan của Thái Lan để yêu cầu đối xử nhân đạo, cung cấp quần áo ấm, ăn uống, được giam giữ riêng biệt, không chung với các phạm nhân khác.
ĐSQ thường xuyên đề nghị cán bộ trại giam đối xử nhân đạo, đồng thời nhắc nhở công dân ta cải tạo tốt, đoàn kết, gắn bó, tránh mâu thuẫn. Trong các buổi tiếp xúc, thăm lãnh sự, ĐSQ cũng thường xuyên hỏi thăm công dân ta về vấn đề này, kể cả đề nghị khi về nước cần báo cho ĐSQ để ĐSQ làm việc với chính quyền các nước (trường hợp không dám báo khi ở trong trại do sợ bị trả thù). Tuy nhiên, đến nay ĐSQ chưa nhận được thông tin trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, tìm hiểu vấn đề này, hạn chế thấp nhất các tình huống phức tạp.
Nhân đây, ĐSQ xin khuyến cáo bà con tránh đi vào vùng biển Thái Lan để đánh bắt hải sản. Trường hợp bị phát hiện, bắt, giam giữ cần thông tin ngay cho ĐSQ, Bộ Ngoại giao, đường dây nóng bảo hộ công dân; tuân thủ đúng các hướng dẫn của cơ quan chức năng Thái Lan để nhanh chóng có điều kiện trở về nước, sớm ổn định cuộc sống. Khi bà con bị giam giữ, Bộ Ngoại giao, ĐSQ thường xuyên trao đổi, tác động, vận động nhiều kênh, nhiều cấp để bà con sớm được ân xá, đươc thả trước thời hạn.
ĐSQ rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của các cơ quan báo chí để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ của cơ quan đại diện. Chúng tôi cũng đề nghị báo Thanh Niên cho biết nếu bà con nào bị đánh đập, cần cung cấp thông tin cho Bộ Ngoại giao, ĐSQ để có hình thức trao đổi, can thiệp phù hợp với các cơ quan liên quan của bạn.
Cảm ơn báo Thanh Niên đã kịp thời phối hợp cùng ĐSQ để cung cấp thêm thông tin cho công dân ta.
Xin cám ơn ông.
Bình luận (0)