Hôm nay 1.3, Bộ Tài chính đã có những thông tin mới nhất về các giải pháp quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).
Bộ Tài chính nêu rõ, theo quy định hiện hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập BOG; hạch toán và theo dõi riêng BOG bằng tài khoản mở tại ngân hàng; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc quản lý và bảo toàn số dư BOG.
Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ: ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản BOG của doanh nghiệp.
Tài khoản BOG chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng BOG của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương. Định kỳ 6 tháng, trước ngày 15.8, ngày 15.2 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về BOG.
Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển quỹ thì xem xét, xử lý theo quy định.
Đối với những thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần, sẽ xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Liên quan tới quản lý BOG, mới đây, Bộ Công thương đã có công văn giục Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp gấp số tiền doanh nghiệp (DN) này nợ BOG về ngân sách với số tiền nợ quỹ và lãi phạt chậm nộp khoảng 612 tỉ đồng.
Trước đó khoảng 1 tháng, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đã có công văn hối thúc DN này nộp trả số tiền nợ quỹ nhưng không có kết quả.
Hải Hà Petro là một trong 7 DN đầu mối xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ kết luận đã sử dụng sai mục đích BOG, không kết chuyển về tài khoản quỹ và để lại tài khoản thanh toán của DN thường xuyên trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ với số tiền lên gần 8.000 tỉ đồng.
Tại kết luận thanh tra vào đầu tháng 1 vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng cơ quan quản lý BOG có sự đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp và phân công nhiệm vụ giữa Bộ Tài chính (đơn vị chủ trì) và Bộ Công thương (đơn vị phối hợp quản lý) trong quá trình kiểm tra, giám sát thương nhân xăng dầu đầu mối.
Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn cho ngân hàng thương mại về quản lý BOG, gây ra tình trạng 7 DN sử dụng quỹ sai mục đích với tổng số tiền là hơn 7.927 tỉ đồng. Số tiền này đã được giữ trong tài khoản thanh toán trong nhiều kỳ mà không được chuyển về tài khoản quỹ.
Bình luận (0)