Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo luật Căn cước công dân (sửa đổi). Bộ này đề xuất sửa đổi một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ CCCD gắn chip.
Theo đó, số CCCD sẽ được đổi thành mã số định danh cá nhân (vẫn là dãy số 12 chữ số như hiện hành); quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh; nơi thường trú đổi thành nơi cư trú.
Bộ Công an đề xuất CMND chỉ còn giá trị đến hết năm 2024 |
Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), đồng thời đổi chữ ký của người cấp thẻ theo luật hiện hành là Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành “Nơi cấp: Bộ Công an”.
Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ CCCD gắn chip (ảnh minh họa) |
p.b |
Trong lịch sử của thẻ CCCD, đây không phải lần đầu tiên Bộ Công an đề xuất và thực hiện thay đổi quy cách loại giấy tờ này. Trước đó, CMND 12 số được thay thế bởi CCCD mã vạch, rồi CCCD mã vạch được thay thế bởi CCCD gắn chip. Đến nay, CCCD gắn chip được giữ nguyên nhưng có thể lại có một số thay đổi như đã nêu.
Cũng vì sự thay đổi liên tục, hiện nay người dân có thể sử dụng 4 loại thẻ đều có giá trị pháp lý, gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.
Giải thích từ đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06), trường hợp mẫu thẻ CCCD mới được ban hành theo đề xuất của Bộ Công an thì những thẻ CCCD đã cấp vẫn có giá trị đến khi phải đổi thẻ theo quy định.
Nghĩa là tới đây, nếu đề xuất của Bộ Công an được thông qua, thêm một loại thẻ nữa được sử dụng song hành là CCCD gắn chip sửa đổi.
Luật Căn cước công dân 2014 quy định, thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Thẻ CCCD còn được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Như vậy, thẻ CCCD là giấy tờ có giá trị vô cùng quan trọng, dùng để chứng minh nhân thân của công dân, không chỉ ở phạm vi trong nước mà có thể ở cả nước ngoài. Vì thế, quy định này tiếp tục được Bộ Công an giữ nguyên trong dự thảo luật đang xây dựng.
Cũng vì sự quan trọng như trên, thẻ CCCD đòi hỏi cần có sự chuẩn chỉnh, thống nhất và ổn định về khuôn mẫu. Sẽ ít nhiều có sự thắc mắc khi cùng là một loại giấy tờ tùy thân nhưng lại có nhiều phiên bản có hiệu lực song song.
Thông tin trên thẻ CCCD được đề xuất thay đổi những gì? |
Xin được nhắc khi Thanh Niên đăng tải thông tin về việc Bộ Công an đề xuất sửa đổi thông tin trên thẻ CCCD, có bạn đọc nói rằng còn chưa kịp đi làm CCCD mẫu mới thì thẻ đã chuẩn bị có một mẫu khác rồi.
Như giải thích của Bộ Công an, mọi sự thay đổi (với thẻ CCCD) đều nhằm phù hợp thực tiễn, phục vụ lợi ích của người dân, tăng tiện ích thẻ, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội số. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy cần mang yếu tố dài hơi, bởi từ thay đổi của thẻ CCCD sẽ kéo theo thay đổi trong nhiều giấy tờ, thủ tục khác.
Và câu chuyện thẻ CCCD còn gợi nhớ đến vấn đề hộ chiếu mẫu mới, cũng do Bộ Công an chủ trì triển khai. Do không có mục nơi sinh, một số công dân sử dụng mẫu hộ chiếu này gặp khó khăn trong việc nhập cảnh vào một số quốc gia trên thế giới. Sau đó, Bộ Công an đã điều chỉnh bằng việc ban hành một mẫu hộ chiếu mới khác, có in bổ sung thông tin nơi sinh.
Các trường hợp đều cho thấy sự quan trọng của tính ổn định trong xây dựng chính sách. Nếu không có sự ổn định, mỗi lần thay đổi sẽ kéo theo lãng phí rất lớn về thời gian, chi phí, mà ảnh hưởng sát sườn nhất chính là người dân.
Bình luận (0)