"Thông tư 03/2005 của Bộ Tư pháp có kẽ hở"

31/10/2005 22:40 GMT+7

Mặc dù kết quả đấu giá căn nhà 163 Trần Hưng Đạo, P.10, Q.5, TP.HCM đã bị hủy bỏ nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi đằng sau cuộc đấu giá bất thường này. Ngày 31.10, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Xa, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

* Ý kiến của Cục Quản lý công sản về kết quả đấu giá này như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã có công văn gửi Sở Tài chính TP.HCM báo cáo toàn bộ vụ việc về vấn đề này. Chúng tôi chưa biết rõ thực chất thiệt hại là bao nhiêu nhưng đã là tài sản của Nhà nước mà bị thiệt hại dù là nhỏ nhất thì ai gây nên thiệt hại, người đó phải chịu trách nhiệm.

* Có ý kiến cho rằng nếu giá sàn được đưa ra sát với giá thị trường thì sẽ hạn chế được những thiệt hại (nếu có) khi đấu giá. Quan điểm của ông như thế nào?

- Tôi không nghĩ như vậy vì giá sàn chỉ là giá khởi điểm để đưa ra bán. Nếu như đưa ra giá quá cao thì sẽ khó khăn cho việc đấu giá. Hơn nữa, giá sàn bất động sản do cơ quan có chức năng định giá và được Sở Tài chính thẩm định, sau đó trình cơ quan có quyền quyết định (UBND tỉnh, thành phố - PV) phê duyệt rồi mới đưa ra đấu giá.

* Sau vụ bán đấu giá căn nhà số 163 Trần Hưng Đạo, Q.5, có ý kiến cho rằng nhiều người đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi từ việc bán đấu giá tài sản?

- Một số văn bản pháp quy quản lý việc đấu giá hiện nay của chúng ta vẫn còn những kẽ hở khiến nhiều người lợi dụng. Ví dụ như điểm 5.3 mục 5 Thông tư 03/2005 của Bộ Tư pháp ban hành là một thí dụ, đi ngược lại thực tế mua bán và thực tế cuộc sống. Vì vậy, cách đấu giá hiện nay của Trung tâm bán đấu giá tài sản TP.HCM (thuộc Sở Tư pháp) là không phù hợp với thực tế. Cách đấu giá để cho nhiều người mua tự phát giá mua cao hơn giá do người điều khiển phiên bán đấu giá phát ra sẽ tạo điều kiện cho nhiều người bắt tay nhau trục lợi và gây mất trật tự trong phòng đấu giá. Trong khi đó, cách đấu giá phổ biến hiện nay mà các nước trên thế giới áp dụng là cứ mỗi vòng đấu giá, người điều khiển sẽ ra một mức giá để những người tham gia đấu giá chọn bằng cách giơ tay, nếu ai không đồng ý sẽ bị loại, sau đó người điều khiển lại ra giá mới để tiếp tục cuộc đấu giá, cứ như vậy cho đến người cuối cùng.

* Bộ Tài chính quản lý công sản, trong khi Bộ Tư pháp lại quản lý việc đấu giá công sản, việc này có tạo ra những bất hợp lý trong việc bán đấu giá công sản?

- Tôi cho rằng Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp chỉ nên làm những công việc liên quan đến tư pháp còn những việc còn lại, cụ thể là quản lý đấu giá tài sản và thực hiện bán đấu giá tài sản, nên giao lại cho các bộ, ngành có chức năng. Chính vì ngành tư pháp làm những việc không chuyên trách nên trong Thông tư 03 của Bộ Tư pháp có những nội dung chưa phù hợp thực tế, tạo kẽ hở và lại có thêm những quy định mà trong Nghị định 05 của Chính phủ về quản lý việc bán đấu giá không hề quy định. Cụ thể như Thông tư 03 quy định bán đấu giá bất động sản phải có mặt công chứng viên, điều này không hề có trong Nghị định. Quy định này khiến cho rất nhiều bất động sản là tài sản công tại TP.HCM rất khó bán, đồng thời làm tăng phần thủ tục hành chính trong việc đấu giá. Rõ ràng, Thông tư 03 có các nội dung bất hợp lý, không phù hợp với thực tế. Trở lại vụ bán đấu giá căn nhà 163 Trần Hưng Đạo, theo tôi, trách nhiệm thuộc về giám đốc Sở Tư pháp, Trung tâm bán đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp), sau nữa là trách nhiệm của Bộ Tư pháp về những sơ hở của Thông tư 03/2005.

* Xin cảm ơn ông!

Trung Bảo - Mai Phương (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.