Thông tư “hàng rong” vẫn còn... trên giấy !

21/01/2013 03:40 GMT+7

Hôm qua, 20.1, Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về “Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cửa hàng ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” có hiệu lực, nhưng khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM, Thanh Niên ghi nhận hầu như chưa ai thực hiện.

Thông tư “hàng rong” vẫn còn... trên giấy !
Nhiều người bán thức ăn đường phố vẫn chưa biết về Thông tư 30 - Ảnh: Ngọc Thắng

Trước cửa một số bệnh viện: Nhi T.Ư, Bạch Mai, Châm cứu T.Ư (Hà Nội), hàng quán cóc, đường phố vẫn hoạt động tấp nập và người bán hàng không biết về các quy định “phải tập huấn về an toàn thực phẩm và phải có chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe". Vừa đập quả trứng chuẩn bị đổ vào chảo, chị bán hàng trên đường Phương Mai gắt với chúng tôi: “Việc gì phải kiểm tra sức khỏe, chả thấy ai bảo gì. Tôi không khỏe làm sao mà bán được hàng?”.

Trên vỉa hè cạnh Bệnh viện Châm cứu, các quán lẩu, hải sản mọc san sát. Tuy nhiên những người được hỏi đều trả lời không biết gì về quy định mới. “Chúng tôi bán ở đây tí buổi tối, các đồ đều nấu chín hết, không có gì sống đâu mà sợ ngộ độc. Thế ốc luộc thì ai chứng nhận nguồn gốc? Ốc người ta mò dưới bùn lên, bán cho chúng tôi, ai kiểm tra chất lượng?”, người đàn ông chủ quán vừa đổ mẻ ốc bốc khói nghi ngút ra tô vừa tỏ ra không chấp nhận với yêu cầu “thực phẩm phải có nguồn gốc…”.

 

Miễn hoàn toàn chi phí tập huấn

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, TP.HCM nói, để tạo điều kiện cho người bán hàng rong hiểu biết về đảm bảo ATVSTP, UBND TP có chủ trương thực hiện miễn hoàn toàn chi phí tập huấn cho những người buôn bán. Các cá nhân bán hàng rong có thể liên hệ tại trạm y tế, hoặc trung tâm y tế dự phòng ở phường, xã mình cư ngụ để hỏi về việc này. Chi cục ATVSTP TP cũng đang hoàn thiện Dự thảo về đảm bảo ATVSTP đối với thức ăn đường phố theo đề án của Thành ủy.

Thanh Tùng

Tại TP.HCM, trước cổng các bệnh viện Chợ Rẫy, Hùng Vương, Chấn thương - Chỉnh hình… nhiều người vẫn bày bán bún thịt nướng, bánh, bắp… ở lòng, lề đường có nhiều xe cộ qua lại mà không hề che đậy. Nhiều quán cơm cũng bày thức ăn đã nấu chín lên các kệ trên vỉa hè có nhiều người qua lại, bụi đường và ruồi nhặng như không có chuyện gì xảy ra.

Dạo quanh các điểm bán thức ăn đường phố ở các quận khác trên địa bàn thành phố, chúng tôi cũng đều được câu trả lời là “chưa hề biết” về quy định phải có giấy khám sức khỏe, có chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, giấy chứng nhận tập huấn an toàn vệ sinh… Chị Ngọc Nhi (bán hủ tiếu trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3) nói: “Vợ chồng tôi bán ở đây lâu lắm mà chưa nghe ai nói gì đến chuyện giấy khám sức khỏe hay chứng nhận gì hết”.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói đã phân cấp về UBND xã, phường chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện. “Thời hạn 20.1 không có nghĩa là hạn để phạt các cơ sở  chưa đủ điều kiện mà là thời điểm có tính chất mốc thời gian để triển khai. Chúng tôi cũng xác định đây là việc lâu dài. Trước hết chính quyền có trách nhiệm thông báo cho mọi người biết chủ trương, các quy định; thông báo thời gian tổ chức các lớp tập huấn để người bán hàng biết đăng ký tham gia", ông Trung giải thích.

Ông Trung cũng cho rằng, quan trọng nhất là sự vào cuộc của chính quyền để thực hiện trên địa bàn phường, xã. Tuy nhiên ông nhìn nhận, để thức ăn đường phố đi vào nền nếp là việc rất khó bởi thói quen lâu nay của cả người bán và cả người ăn, vẫn chấp nhận ăn tại điểm bán hàng không đảm bảo về mỹ quan và các điều  kiện mà cơ quan quản lý đưa ra. “Khó nhất là các hàng quán di chuyển, bán dạo, ngay cả nơi trọ có khi cũng không cố định nên khó kiểm soát việc tuân thủ”, ông Trung nói.

Nam Sơn - Hà Minh - Thanh Thùy

>> Tịch thu, tiêu hủy hàng rong biến tướng
>> Góp phần chia sẻ gánh nặng hàng rong
>> “Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 2: Nỗi sợ mang tên hàng rong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.