Thú chơi ngọc

17/01/2012 00:18 GMT+7

Ngọc nằm trong thất bảo, vì thế từ xưa chơi ngọc được coi là thú chơi sang. Chỉ có vua chúa, những gia đình quyền quý, cao sang mới chơi ngọc.

Ngọc nằm trong thất bảo, vì thế từ xưa chơi ngọc được coi là thú chơi sang. Chỉ có vua chúa, những gia đình quyền quý, cao sang mới chơi ngọc.

Khoảng những năm đầu thế kỷ 20, ở Hà Nội giới chơi cổ vật vẫn kháo nhau về thú chơi ngọc không ai bằng của ông tổng đốc ở phố Đường Thành. Nhà ông có bốn bức bình phong lớn được trạm trổ toàn bằng ngọc. Một trong những tay chơi ngọc “khét tiếng” thời xưa là cụ Nguyên Ninh ở phố Hàng Than. Giới chơi vẫn tấm tắc, thèm muốn bộ tranh ngọc mà cụ Nguyên Ninh giữ.

 
Lối bày cổ ngọc của người Hà Nội

Ngọc có rất nhiều loại như phỉ thúy, ngọc lục bảo, bạch ngọc, hoàng ngọc, hồng ngọc, ngọc Hòa Điền… “Ngọc quý là gõ vào nghe thấy kêu vang, soi vào thấy trong, không tì vết”, nhà giáo Ngô Mạnh Cường, thành viên câu lạc bộ Những người yêu cổ ngoạn, người chơi ngọc lâu năm cho biết. Chẳng thế mà chuyện xưa kể rằng khi thấy người đeo miếng ngọc, hễ cử động nghe thấy tiếng keng keng là biết ngay thuộc dòng dõi quý tộc.

 
Chiếc gậy như ý bằng ngọc - Ảnh: Ngọc An

Theo ông Cường, trong khối ngọc, phần quý nhất là nõn ngọc. “Chỉ những người nghiên cứu nhiều về ngọc mới nhìn ra nõn ngọc. Vì là phần rất quý nên xưa kia, nõn ngọc thường để dùng làm đồ trang sức như trâm cài đầu, nhẫn, vòng… cho hoàng tộc. Còn phần ngọc bên ngoài thường được chế tác thành lọ, đỉnh…”, ông nói.

Người xưa chơi ngọc không chỉ để thể hiện sự phú quý, mà còn để tốt cho phong thủy, trấn yểm điều dữ, tốt cho sức khỏe. Thú chơi xưa khá cầu kỳ. Thường thì ngày nào, các cụ xưa vẫn thường lôi đồ ngọc ra. Không chỉ để ngắm nghía, mà để cọ xát vào tay, cơ thể. Người xưa quan niệm, khí từ cơ thể con người thoát ra sẽ làm ngọc thêm bóng, thêm đẹp. “Bây giờ, thú chơi đã đơn giản hơn. Thường thì tôi vẫn bày ngọc vào tủ kính tránh bụi, để hai chén nước vào trong. Như thế sẽ tạo độ ẩm, tránh cho ngọc bị khô”, ông Cường cho hay.

Triển lãm Thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội

Giới thiệu thú chơi cổ ngọc, trưng bày cổ ngọc Việt Nam và nước ngoài là nội dung chính của cuộc triển lãm Thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội lần thứ ba tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (khai mạc chiều ngày 18.1 và kéo dài một tháng). Nhiều món cổ ngọc đáng chú ý như pho tượng Quan m bằng bạch ngọc với kích thước lớn, bộ ngũ đại kim cương (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ) ở các tư thế khác nhau bằng ngọc trắng, các bức phù điêu nhỏ trạm, hạt, hoa... Triển lãm cũng trưng bày nhiều cổ vật mang hình rồng.

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.