Thú chơi nhà cổ

15/10/2012 10:01 GMT+7

Chơi nhà cổ không chỉ là thú chơi đơn thuần, mà còn là sự gìn giữ nét văn hóa đang trở thành trào lưu của không ít những người trẻ hiện nay ở khu vực Đông Nam bộ.

Dạo quanh một vòng ở P.Trảng Dài (TP. Biên Hòa), xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) chúng tôi phát hiện nhiều căn nhà cổ được xây dựng khang trang.

Tại xã Thiện Tân, có căn nhà cổ được một chủ doanh nghiệp xây dựng theo quần thể Tứ Linh (Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước) tạo thành nét văn hoá cổ xưa độc đáo. Chủ nhân căn nhà cổ cho biết: “Nguyên tắc xây dựng nhà cổ theo kiểu Tứ linh là phía sau ngôi nhà phải có một quả đồi như thế mới tạo được thế. Nhưng ở quần thể nhà này, phía sau được thay thế bằng tháp nước. Tháp nước về phong thủy có tác dụng chắn khí và tất cả những gì không tốt, thay thế cho quả đồi để xây dựng nên ngôi nhà theo kiểu Tứ linh”.

Tham quan ngôi nhà, người chủ nhà cho biết thêm: “Trong nhà này, có những cột nặng gần 1 tấn với nhiều loại gỗ quý khác nhau như: cam se, gỗ mật…Phải ra đến Bình Định mua, rồi mang về dựng lại, sửa sang, nhưng vẫn mang những nét truyền thống không thể phai mờ”.

Cũng chơi kiểu nhà cổ Tứ linh, anh Lê  Văn Quang (39 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa)  chia sẻ kim nghiệm: “Để xây dựng vườn tứ linh phải hội tụ 3 điều cơ bản: Thứ nhất là phải tụ được khí; thứ 2 là phải dựa vào 1 thế nhất định;  thứ 3 là bố trí hài hòa. Đối với nhà cổ, nhà gỗ, việc chống mối mọt để nâng cao  tuổi thọ ngôi nhà là điều mà chủ nhà cần phải quan tâm hàng đầu. Trước khi dựng cột, thì chủ nhà đã cho xịt thuốc chống mối mọt và ngay cả dưới nền nhà trước khi đặt gạch lên xây, cũng được xử lý kỹ càng”

Cũng theo anh Quang, một ngôi nhà cổ được xem là đẹp khi nó kết hợp hài hòa giữa trong và ngoài chứ không chia ra việc xây dựng riêng và trang trí nội thất riêng. Ngoài ra, tính bền vững của ngôi nhà cổ còn tùy thuộc vào vật dụng trong nhà, từ thời gian đến màu sắc để tạo nên giá trị.

Sự trở về

 

'Có 3 yếu tố của một người chơi nhà gỗ, nhà cổ cần phải có là: Yêu văn hóa - Yêu thiên nhiên và tôn trọng truyền thống. Nếu không có những yếu tố này thì chơi không hết, chơi không tới”, anh Dương chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Dương (39 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết “Mỗi ngôi nhà đều có sự trải nghiệm với đời sống khác nhau. Ngôi nhà cổ khác ngôi nhà gỗ ở chỗ nó được định dạng bằng đời sống, nó có giá trị thực sự”.

Ngôi nhà của anh Dương đang ở được xây dựng theo kiểu “Tàng long tụ khí” là ngôi nhà của ông lý trưởng Trần Văn Hào ở Long Thành (Đồng Nai) với tuổi thọ gần 200 năm. Anh mua về và cố gắng giữ nguyên mọi điểm, chỉ có cửa ra vào là thay đổi, tất cả các cánh cửa này được làm bằng 1 cây gỗ do chính tay mình chọn. Ngôi nhà rường mang phong cách của người Nam bộ, phóng khoáng, thoải mái để người ta dễ cảm thụ, kết hợp với vườn cây với nhiều loài hoa nhau làm cho ngôi nhà trở nên gần gủi hơn.

Mê nhà cổ từ năm 11 tuổi, với anh Dương, nhà cổ là một sự thách thức, một cái gì đó không toàn vẹn để anh luôn tìm hiểu, trải nghiệm. Anh Dương giải thích: “Tàng long tụ khí là nhà thờ có hai đặc trưng là nhà thờ, ở ngôi nhà này con trai chỉ được ngủ, con gái không được phép ở. Để bước vào nhà, mỗi người đều phải đi qua ngưỡng cửa. Đó là trong và ngoài, tối và sáng. Ngưỡng cửa trong truyền thống gia đình là sự trở về với ánh sáng, tránh xa bóng tối bên ngoài. Sự trở về của tất cả bình yên”

Ngoài những ngôi nhà cổ chủ nhà dựng nên làm khoảng trời riêng cho mình, cũng ở Đồng Nai cũng có những nhà cổ được xây dựng như một công viên văn hóa nhỏ, vừa để kinh doanh, vừa để người đến đây tận hưởng cảm giác thoải mái khi tham quan vườn. Đó là Nhã Viên quán (P. Bửu Long, TP.Biên Hòa). Khuôn viên khoảng 5.000 m2, thế nhưng lại hội tụ văn hóa cả 3 miền. Khu vườn Nhã Viên gồm ngôi nhà chính là một nhà rường kiểu Huế, bên tả mang phong cách nhà rường Nam Trung bộ, bên hữu xây dựng theo phong cách nhà Nam bộ và còn cả nhà theo kiểu nhà sàn Tây Bắc, thể hiện tâm tình của gia chủ, từng ngang dọc Bắc Nam. Khu vườn Nhã Viên đẹp thanh thoát, làm cho khách đến nhà hàng ăn uống đều cảm thấy thư thái.

Thú chơi nhà cổ
Hồ tụ khí giữa quần thể nhà gỗ Tứ Linh

Thú chơi nhà cổ
Quần thể nhà gỗ Tứ Linh

Thú chơi nhà cổ
Nhà sàn gỗ tại Nhã Viên quán

                                                   Lê An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.