Từng được coi là “thủ đô dệt may” nhưng ngành dệt may của Nam Định đang khó khăn với các doanh nghiệp đình trệ, người lao động đua nhau bỏ việc…
Đây là ngành có truyền thống và được xem là mũi nhọn của công nghiệp Nam Định. Theo thống kê, năm 2012, ngành dệt may Nam Định vẫn tăng trưởng khi sản xuất 47.520 tấn sợi (tăng 24,7%), 66.512 m vải (tăng 24,4%), 147.521 bộ quần áo may sẵn (tăng 34,6%), 12.504 bộ quần áo dệt kim (tăng 26%).
|
Nhưng thực tế không đẹp như con số. Khảo sát của chúng tôi tại hơn 50 doanh nghiệp cho thấy tất cả đang ở trong thời điểm khó khăn nhất từ trước đến nay.
Theo Sở Công thương Nam Định, giữa năm 2011, Nam Định còn 158 doanh nghiệp, đơn vị dệt may thì nay chỉ còn 115, trong đó nhiều đơn vị đang dừng sản xuất.
Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP dệt may Sơn Nam, doanh nghiệp dệt lớn nhất Nam Định hiện nay cho biết: “Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1995-1997 là cơn lốc đánh sụp hầu hết các doanh nghiệp dệt, gần như làm mất tên “thành phố dệt” thì năm 2012 có cơn lốc số 2 đưa số doanh nghiệp còn lại vào cảnh khốn cùng. Ngoài chúng tôi, chỉ còn Công ty CP Dệt lụa và Công ty CP Dệt Nam Định là còn duy trì hoạt động, còn lại hầu như tê liệt”.
Không chỉ dệt, ngành may mặc Nam Định cũng đang gặp khó khăn. Ông Trần Văn Liệu, Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công thương Nam Định cho biết: “Theo số liệu thì sản xuất tăng trưởng nhưng hàng hóa không bán được mà tồn kho. Có doanh nghiệp phải đi thuê kho mới chứa hết hàng tồn vì đơn hàng bị hủy”.
Cũng theo ông Liệu, kể cả có bán được hàng thì lãi cũng không bao nhiêu vì đầu vào như sợi, vải, lương công nhân, xăng, dầu, điện… đều tăng giá trong khi đơn giá gia công lại giảm. Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải sản xuất dù lỗ để “nuôi” khách hàng và chờ thời, bởi nếu dừng sản xuất thì coi như phá sản, khách hàng tìm đối tác khác, công nhân cũng không trở lại nữa…
Lao động dệt may khốn đốn Tại khu trọ ở thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, TP.Nam Định, chị Lê Thị Thúy cho biết: “Công nhân may chỉ dám thuê nhà giá thấp nhất là 350.000 đồng mỗi tháng. Đến bữa cơm như ăn chay bây giờ cũng phải vài phòng góp lại nấu chung để tiết kiệm chi phí”. Căn phòng 10 m2 của họ có tới 4 người ở, họ bảo “ở đông cho ấm” để vừa đỡ tiền nhà, vừa giảm được tiền điện… Tương tự, vợ chồng anh chị Trần Văn Thụ - Nguyễn Thúy Liễu, công nhân dệt may tại Cụm công nghiệp An Xá, cũng thuê trọ tại thôn Mỹ Trọng cho biết tổng thu nhập của 2 vợ chồng gần 6 triệu, trừ tiền nhà, tiền ăn… mất hơn 5 triệu. Tết năm nay thấy nói chỉ được thưởng 300.000 đồng nên “không biết có mua được cho con bộ quần áo không”… |
Hoàng Long
>> Dệt may Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam
>> Dệt may nội địa bị cạnh tranh khốc liệt
>> Chủ tịch nước biểu dương ngành dệt may
>> Dệt may, da giày gặp khó
Bình luận (0)