Thủ đoạn trục lợi của ông Nguyễn Đức Chung

Thái Sơn
Thái Sơn
15/08/2021 06:21 GMT+7

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định ông Nguyễn Đức Chung đã dùng nhiều thủ đoạn như: chỉ đạo miệng trái với chỉ đạo bằng văn bản, hợp thức hóa hồ sơ pháp lý, đổ tội cho người khác...

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, bị can Nguyễn Đức Chung đã dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (chỉ đạo miệng trái với chỉ đạo bằng văn bản), hợp thức hóa hồ sơ pháp lý, đổ tội cho người khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc cấp dưới nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Ngày 14.8, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra (KLĐT) vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo khoản 3, điều 356, bộ luật Hình sự.
Hai bị can khác cũng bị đề nghị truy tố tội danh này là Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic (Công ty Arktic); và Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước Hà Nội).

Gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng

Theo KLĐT, tháng 8.2016, bị can Nguyễn Đức Chung đã kết luận và ra văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc UBND TP.Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C trực tiếp từ Hãng Watch Water GmbH (Đức), với mục đích xử lý ô nhiễm tại các ao hồ trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, bị can Chung lại chỉ đạo miệng cho lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội - doanh nghiệp trực thuộc UBND TP.Hà Nội, mua lại chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic.
Ngoài vụ án này, bị can Nguyễn Đức Chung từng bị phạt 5 năm tù về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” và đang liên quan đến một vụ án hình sự khác ẢNH: TTXVN

Ngoài vụ án này, bị can Nguyễn Đức Chung từng bị phạt 5 năm tù về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” và đang liên quan đến một vụ án hình sự khác

ẢNH: TTXVN

Theo KLĐT, Công ty Arktic do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị can Nguyễn Đức Chung) bỏ 100% vốn (5 tỉ đồng) và làm thủ tục thành lập, lấy tên con trai (Nguyễn Đức Hạnh) tham gia đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh. Đến giữa năm 2016, lo ngại việc để Nguyễn Đức Hạnh đứng tên sẽ ảnh hưởng đến uy tín của bị can Chung, bà Hoa đã bàn bạc và chuyển nhượng lại 60% phần vốn sang cho bị can Nguyễn Trường Giang - vốn có mối quan hệ thân thiết với gia đình bị can Chung, 40% còn lại cũng do người thân của gia đình bị can Chung đứng tên.
Để định hướng cho doanh nghiệp thuộc UBND TP.Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic, từ tháng 5.2016, bị can Nguyễn Đức Chung đã cử đoàn công tác của UBND TP.Hà Nội sang Đức làm việc, đàm phán, đặt hàng với Hãng Watch Water GmbH. Dù không phải cán bộ của UBND TP.Hà Nội, nhưng bị can Nguyễn Trường Giang vẫn được bị can Chung cử đi cùng như cán bộ của UBND TP.Hà Nội, nhằm tạo vị thế cho bị can Giang với đối tác và các cơ quan đơn vị của TP.Hà Nội.
Sau khi đàm phán, Hãng Watch Water GmbH đã đồng ý bán cho Hà Nội chế phẩm Redoxy 3C với mức giá 8,5 euro/kg. Tuy nhiên, từ chỉ đạo của bị can Nguyễn Đức Chung, Công ty thoát nước Hà Nội đã không mua trực tiếp từ nhà sản xuất mà mua qua Công ty Arktic (với giá 295.000 đồng/kg đến 326.000 đồng/kg). Thậm chí, khi Công ty thoát nước Hà Nội chưa ký hợp đồng mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Arktic, bị can Chung đã chỉ đạo, yêu cầu bị can Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, ứng tiền trước để mua. Trước sức ép của bị can Chung, bị can Hùng phải dùng tiền của gia đình chuyển cho bị can Giang 4,6 tỉ đồng ứng trước để mua chế phẩm Redoxy 3C.
Trong khoảng thời gian từ 2016 - 2019, Công ty thoát nước Hà Nội đã ký 15 hợp đồng kinh tế với Công ty Arktic mua 489.080 kg chế phẩm Redoxy 3C với tổng số tiền hơn 167 tỉ đồng. Theo C03, khoản tiền chênh lệch giữa mua trực tiếp từ Hãng Watch Water GmbH và mua vòng qua Công ty Arktic đã làm lợi cho Công ty Arktic hơn 36 tỉ đồng, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý. Đây cũng được coi là con số thiệt hại trong vụ án.

Ép cấp dưới “đục bỏ” sai phạm trong kết luận thanh tra

Từ giữa năm 2019, khi báo chí phản ánh việc gia đình bị can Nguyễn Đức Chung có liên quan đến việc mua, bán chế phẩm Redoxy 3C, bị can này đã chỉ đạo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ký quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn TP.Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình Thanh tra TP.Hà Nội đang tiến hành thanh tra và xác định có một số sai phạm, bị can Chung đã nhiều lần tổ chức họp, chỉ đạo, định hướng Thanh tra TP.Hà Nội kết luận theo hướng không có sai phạm gì.
Thực tế cho thấy, ngày 12.2.2020, Thanh tra TP.Hà Nội đã ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 555, chỉ rõ ra nhiều sai phạm của các đơn vị chức năng TP.Hà Nội trong việc mua sắm chế phẩm hóa chất Redoxy 3C với giá trị lớn nhưng không qua đấu thầu. Sau đó, bị can Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Thanh tra TP.Hà Nội phải viết lại KLTT theo ý của mình, dẫn đến ngày 26.2.2020, Thanh tra TP.Hà Nội ban hành KLTT số 794, trong đó nêu rõ “kết luận này thay thế kết luận số 555/KL-TTTP-PCTN ngày 12.2.2020”, mà không nêu rõ bất cứ lý do nào. Tuy nhiên, so sánh cho thấy, KLTT số 794 đã “đục bỏ” nhiều sai phạm mà KLTT số 555 đã nhắc đến.

Dùng “tiền bẩn” đánh bóng tên tuổi

Cũng theo KLĐT, sau khi tạo điều kiện cho công ty gia đình được hưởng khoản tiền hơn 36 tỉ đồng, bị can Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu bị can Nguyễn Trường Giang lấy số tiền lợi nhuận từ Công ty Arktic tặng quà, tài trợ cho một số cơ quan, tổ chức nhằm đánh bóng hình ảnh, tên tuổi, phục vụ mục đích chính trị. Trong số này có Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Q.Ba Đình (Hà Nội), UBND tỉnh Sơn La, Bộ Tư lệnh thủ đô, Trường mầm non Yển Khê (H.Thanh Ba, Phú Thọ) và Trường đại học FPT.
Theo C03, hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Đức Chung là dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (chỉ đạo miệng trái với chỉ đạo bằng văn bản), hợp thức hóa hồ sơ pháp lý, đổ tội cho người khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc cấp dưới nhằm che giấu hành vi phạm tội. Quá trình điều tra, bị can Chung khai báo quanh co, chối tội. Hành vi trên của bị can Chung ngoài việc gây thiệt hại cho UBND TP.Hà Nội để vụ lợi cho công ty gia đình, còn ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của UBND TP.Hà Nội, của người đứng đầu TP.Hà Nội, làm một số cán bộ chủ chốt của Hà Nội có hành vi sai phạm nghiêm trọng bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Vì vậy, C03 đề nghị các cơ quan truy tố, xét xử xem xét xác định đây là các tình tiết tăng nặng đối với bị can Chung.
Đối với các bị can Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng, trong quá trình điều tra đã khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án nên C03 đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ. Ngoài 3 bị can trong vụ án, C03 cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của một số cán bộ thanh tra có những quyết định, kết luận, thay đổi kết luận theo hướng không có sai phạm gì, không đúng bản chất sự việc.

Kê biên nhiều tài sản của bị can Nguyễn Đức Chung

Liên quan đến vụ án này, C03 đã ra lệnh kê biên tài sản đối với 3 nhà, đất của ông Nguyễn Đức Chung, gồm: nhà, đất có diện tích 102,7 m2 tại 88 phố Trung Liệt (P.Trung Liệt, Q.Đống Đa, Hà Nội), là căn nhà ông Chung sử dụng thường xuyên cho đến khi bị bắt; căn hộ chung cư có diện tích 175,7 m2 số 2B12A, nhà R3-72A Nguyễn Trãi và và căn hộ chung cư có diện tích 175,7 m2 số 12B15, nhà R3-72A Nguyễn Trãi (P.Thượng Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội).
Đồng thời, C03 đã áp dụng lệnh kê biên nhà, đất diện tích hơn 139 m2 của bị can Võ Tiến Hùng tại Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) và kê biên căn hộ chung cư diện tích hơn 114 m2 của bị can Võ Trường Giang tại Q.Hoàng Mai (Hà Nội).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.