8 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng nộp ngân sách 24,65 tỉ đồng
Theo báo cáo của Chính phủ, tính từ khi dự án trồng rừng đầu tiên được cấp phép vào năm 1995 đến ngày 10.8.2010, cả nước có 8 dự án có mục tiêu đầu tư trồng rừng 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư (hoặc giấy chứng nhận đầu tư) với tổng vốn đầu tư là 286.090.000 USD. Trong các dự án này, có 1 dự án chỉ trồng rừng, số còn lại có kết hợp mục tiêu trồng rừng và chế biến nguyên liệu giấy, sản xuất gỗ dăm, ván ép…
Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của các dự án trực tiếp trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài là 342.126 ha (riêng Tập đoàn Innov Green tại 5 dự án ở VN theo các giấy chứng nhận đầu tư đã cấp chiếm tới 328.000 ha). Nếu trừ phần diện tích mà UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra ngoài quy hoạch trồng rừng của Innov Green theo Quyết định số 4257 ngày 30.9.2008 thì tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của các dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài là 288.874,3 ha. Trong số đó, diện tích đã được cấp là 18.571 ha, diện tích đã đưa vào sử dụng là 15.268 ha. Tất cả 8 dự án trên đều được thực hiện theo hình thức nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn.
Đến tháng 7.2010, có 19 chuyên gia nước ngoài làm việc tại 8 dự án trên (chiếm 6,5% tổng số lao động); 271 người Việt Nam có hợp đồng lao động làm việc lâu dài tại các dự án (chiếm 93,5%).
Đến nay, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của cả 8 dự án trồng rừng đó là 24,65 tỉ đồng; trong đó riêng dự án trồng rừng tại Bình Định triển khai từ năm 1995 nộp tới 23 tỉ đồng. Tiền công cho người lao động dao động trung bình từ 70.000 - 95.000 đồng/ngày/người, cá biệt có nơi địa hình khó khăn, mức tiền công lên tới 150.000 - 200.000 đồng/ngày/người.
Quy định chặt chẽ về quy trình cấp phép cho thuê đất
Chính phủ đánh giá: "Nhìn chung các dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai nhưng chậm và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với quy mô diện tích đất dự kiến". Nguyên nhân chủ yếu được nêu là "việc khảo sát, lập dự án chưa kỹ dẫn tới quy mô một số dự án thiếu cơ sở thực tế; khi triển khai thực tế, diện tích đất cho thuê rời rạc, manh mún". Ngoài ra, các địa phương thường thống nhất về vị trí, ranh giới với các cơ quan quản lý về an ninh, quốc phòng trước khi ký hợp đồng cho thuê đất chính thức nên thời gian bàn giao đất cho doanh nghiệp thường chậm so với tiến độ dự án và ít có trường hợp bàn giao diện tích lớn một lần.
Về hướng xử lý trong thời gian tới, sau khi các đại biểu QH và dư luận bày tỏ quan ngại về an ninh quốc gia tại các dự án doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng tại kỳ họp thứ 7 của QH, Chính phủ cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2006 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2005 theo hướng quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền, điều kiện và trình tự thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều diện tích đất, dự án trồng rừng, đặc biệt phải có ý kiến chính thức của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hoặc cơ quan địa phương trước khi cấp phép.
Đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng phối hợp các bộ ngành và chính quyền địa phương trong việc rà soát, kiểm tra và điều chỉnh theo hướng thu hẹp diện tích của các dự án trồng rừng tại các khu vực có liên quan hoặc có khả năng ảnh hưởng tới an ninh - quốc phòng.
Trong thời gian Chính phủ đang soạn thảo sửa đổi Nghị định 108/2006, Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh không tiếp tục xem xét cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất đối với diện tích đất chưa có quyết định cho thuê. Đồng thời, rà soát kỹ lại các phần diện tích đã cho thuê tại các dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, thống nhất với nhà đầu tư loại bỏ các diện tích nằm trong khu vực biên giới, khu vực quân sự, khu vực chồng lấn với các dự án khác ra khỏi phạm vi triển khai dự án.
Nguyệt Minh
Bình luận (0)