Thu học phí để nghiên cứu ?
Ngày 27.10, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường đại học (ĐH) FPT, xác nhận thông tin trường chấp thuận cho các sinh viên nước ngoài đóng học phí bằng Bitcoin từ năm học 2017 - 2018.
Theo giải thích của ông Lê Trường Tùng, lý do trong thời gian gần đây, có thời kỳ một số sinh viên nước ngoài đang theo học tại trường nợ học phí cả học kỳ dù không thiếu tiền. Mà quy định của chính phủ nước sở tại không cho phép chuyển tiền ra nước ngoài, đặc biệt đối với một số sinh viên châu Phi như Nigeria.
|
Tuy nhiên, TS Lê Trường Tùng cũng cho biết đến hiện tại, vẫn chưa có sinh viên nước ngoài nào nộp trực tiếp Bitcoin cho trường mà vẫn nộp bằng ngoại tệ (FPT quy định chỉ nộp bằng USD). “Hiện tại có khoảng 100 sinh viên nước ngoài đang theo học tại ĐH FPT ở VN. Nếu có số sinh viên nào trả bằng Bitcoin thì tôi nghĩ số lượng cũng không nhiều nên cũng chỉ đủ cho việc nghiên cứu đào tạo của trường”.
Trả lời câu hỏi: Liệu động thái này của FPT có phải đang khuyến khích sinh viên tham gia đầu tư kinh doanh Bitcoin hay không, ông Lê Trường Tùng cho rằng với công nghệ phát triển thì hiện nay, không những sinh viên mà nhiều người tại VN cũng biết và tìm hiểu, thậm chí tham gia kinh doanh đầu tư vào đồng tiền ảo rất nhiều, không phải đợi đến khi FPT chấp nhận thu học phí bằng Bitcoin thì mới có người tham gia tìm kiếm loại tiền số đó. “Chúng tôi nghĩ rằng xem Bitcoin như một dạng giao dịch hàng hóa có giá trị, tương tự như vàng hay một vài kim loại khác. Nhà nước chưa chấp nhận nó như là một phương tiện tiền tệ để thanh toán. Nhưng giao dịch hàng hóa thì chủ yếu theo quy tắc thị trường, là giao dịch dân sự với nhau”, TS Lê Trường Tùng nói.
Trước FPT, tại VN cũng đã có một số cửa hàng, quán cà phê bắt đầu cho chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin như một công ty du lịch tại Q.Tân Bình, TP.HCM; một quán cà phê trên đường Võ Văn Kiệt mang tên Bitcoin cũng cho khách thanh toán tiền cà phê, pizza bằng Bitcoin… Tuy nhiên có vẻ người dùng Bitcoin để thanh toán thật sự cũng chưa nhiều mà chủ yếu là các giao dịch kiếm lời Bitcoin trên các sàn điện tử. Ngoài ra, một số máy rút tiền Bitcoin có tên BTM để rút tiền Việt đã xuất hiện tại TP.HCM.
“Ở mình thì chưa cho phép giao dịch bằng Bitcoin, bởi vẫn theo nếp nghĩ cái gì khó quản lý thì cấm. Cấm thì cũng chỉ là không cho phép lập sàn giao dịch, chứ thực tế mọi người vẫn tự mua hay sở hữu nó. Thậm chí, một số nơi đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Ở TP.HCM thậm chí đã có Bitcoin ATM. Như vậy, Bitcoin đã len lỏi vào các hoạt động giao dịch hàng hóa. Trong bối cảnh này, Trường ĐH FPT quyết định thử nghiệm xem Bitcoin là công cụ hỗ trợ các em trong việc đóng học phí, chủ yếu với sinh viên nước ngoài. Còn với sinh viên nội thì nhu cầu chưa bức xúc”, ông Tùng nói.
Có thể bị phạt hàng trăm triệu đồng
|
Tương tự hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo pháp luật hiện hành về ngân hàng, NHNN khẳng định Bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN. Do đó, việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế.
Về thông tin “Trường ĐH FPT chấp nhận sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin”, theo một vị đại diện cho NHNN nếu chính xác là “rất nguy hiểm”. Nếu trường này thu học phí bằng Bitcoin là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo nghị định này, mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, khẳng định: “Bitcoin không được xem là tiền hay phương tiện để thanh toán, chúng tôi không rõ FPT xin phép ai để thực hiện việc nhận học phí của du học sinh nước ngoài bằng Bitcoin”.
Năm 2011, Trường ĐH FPT đã bị Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN xử phạt vì đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Cụ thể, trường ĐH này bị phạt 500 triệu đồng do thực hiện niêm yết học phí các khóa đào tạo theo chương trình liên kết với nước ngoài bằng USD. NHNN yêu cầu Trường ĐH FPT không được niêm yết, thông báo, quảng cáo học phí các khóa học bằng ngoại tệ dưới mọi hình thức.
Bất hợp pháp ?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, cho rằng: “Bitcoin vẫn chưa được NHNN thừa nhận là tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy, việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính”.
|
Bình luận (0)