Giá đất phù hợp với thị trường ở thời điểm nào?
Thừa ủy quyền Thủ tướng trình nội dung sửa đổi tại phiên họp sáng qua, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết trong 10 nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của luật, có vấn đề về nguyên tắc xác định giá đất. Về nội dung này, có 2 loại ý kiến khác nhau, loại thứ nhất muốn giữ nguyên quy định xác định giá đất của nhà nước phải đảm bảo “sát giá thị trường” để đảm bảo tính ổn định của pháp luật; ý kiến khác đồng tình với dự thảo luật quy định “giá đất do nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”, vì cho rằng việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” như hiện nay là rất khó do thị trường luôn biến động, mặt khác ở nước ta còn có những vùng, những loại đất chưa có thị trường.
|
Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định của dự thảo luật về việc nhà nước quyết định giá đất phù hợp với giá thị trường.
|
Nhấn mạnh định giá đất là điểm quan trọng nhất của dự thảo LĐĐ sửa đổi lần này, vì “nếu làm được thì tất cả vấn đề khác liên quan đến vướng mắc về đất đai hiện nay như khiếu kiện, tranh chấp sẽ giải quyết được hết”, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng ban soạn thảo chưa giải quyết được bất cập hiện hành của việc định giá đất trong nội dung dự luật sửa đổi. “Dự thảo luật chỉ sửa mỗi một định nghĩa sát giá thị trường thành phù hợp với giá thị trường, còn lại những nội dung khác không biết sẽ làm thế nào để phù hợp với giá thị trường? Nếu không cụ thể hóa trong luật thì không biết làm thế nào để giải quyết được 2 nhiệm vụ vừa để làm căn cứ tính thuế, vừa làm căn cứ để đền bù cho dân khi thu hồi đất", ông Khoa lo ngại.
Đặt vấn đề định giá đất trong mối tương quan với cơ chế thu hồi đất, đền bù GPMB, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: Dự luật quy định nguyên tắc giá đất phù hợp giá thị trường nhưng vấn đề ở đây là xác định giá thị trường trong trường hợp nào: khi bắt đầu công bố quy hoạch sử dụng đất, tiến hành thu hồi đất ngay và đền bù với giá 1 triệu đồng/m2 như hiện nay, hay là khi đã có dự án cụ thể trong quy hoạch sử dụng đất đó như xây con đường, dự án nhà thương mại… thì mới bắt đầu thu hồi đất và đền bù theo giá thị trường khi đó? Và ông khẳng định, không thể vừa thông qua quy hoạch sử dụng đất là đi thu hồi ngay đất của dân rồi tính mức đền bù thấp như hiện nay, vì muốn thu hồi phải có dự án cụ thể, mà khi đó thì giá đất theo thị trường sẽ khác hẳn với đất nông nghiệp khi chưa có dự án.
“Nguyên tắc Nhà nước định giá chỉ nói phù hợp giá thị trường không thì chưa đúng, nếu thế thì tù mù, sẽ tiếp tục sinh ra xung đột, vì nếu thu hồi đất khi bắt đầu thực hiện quy hoạch sử dụng đất với mức giá đất nông nghiệp 1 triệu đồng/m2 chẳng hạn thì tính giá này để thu thuế quá thấp, còn nếu dùng giá đó để đền cho dân với giá thị trường ở thời điểm quy hoạch đó thì gay go”, ông cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh: "Sửa LĐĐ lần này phải giải quyết cho được bất cập đó".
Theo Chủ tịch QH, nguyên tắc nhà nước định giá đất không phải chỉ có định giá theo thị trường, khi thu hồi đất, thực hiện đền bù phải tính thiệt hại trọn gói để đền bù cho dân. Chẳng hạn, với mảnh đất nông nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm, người ta đang sản xuất trên đó, với thu nhập thực tế hằng năm, nếu thực hiện thu hồi thì phải tính thiệt hại thu nhập dự kiến 50 năm ở mảnh đất bị thu hồi đó cho dân. “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mỗi người đều có quyền ở, quyền sinh sống từ đất, nếu anh thu kế sinh nhai của người ta thì anh phải đền cho người ta theo mức độ thiệt hại như thế”, ông gợi mở.
Không nên “dồn” quá nhiều trách nhiệm cho Thủ tướng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc sửa LĐĐ lần này phải đảm bảo tính hợp hiến cũng như phù hợp với chủ trương, định hướng về mô hình chính quyền địa phương trong thời gian tới, khi QH sửa đổi một loạt các luật liên quan về tổ chức bộ máy nhà nước, thế nhưng có một số quy định của dự luật sửa đổi lại không phù hợp với hiến định. “Trong dự thảo luật sửa đổi thấy dồn quá nhiều trách nhiệm cho Thủ tướng, không phù hợp với Hiến pháp hiện hành, vì Hiến pháp quy định Chính phủ thống nhất quản lý tài sản toàn dân (đất đai là sở hữu của toàn dân - PV) chứ không phải quy định trách nhiệm cho Thủ tướng”, ông Lý đơn cử, đồng thời nói thêm: “Trong 190 điều của dự luật Đất đai sửa đổi đã có tới khoảng 40 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, 10 điều khoản giao Bộ TN-MT hướng dẫn, như vậy là quá nhiều vấn đề cần phải chờ đợi sau luật, cần phải xem lại”.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương phát hiện thêm: trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH, giá do nhà nước ấn định, thu hồi bằng quyết định hành chính vốn chưa được quy định trong Hiến pháp mà Hiến pháp mới quy định về việc thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, công ích… Trong khi đó, trong dự thảo luật sửa đổi chúng ta lại mở rộng căn cứ để thu hồi đất nông nghiệp của dân quá rộng. Việc thu hồi đất để phát triển KT-XH lại chưa có một cơ chế rõ ràng, cụ thể về giá đất của các khu đất được thu hồi theo giá thị trường như thế nào. “Cần phải nghiên cứu kỹ hơn, có quy định chặt chẽ hơn, nhất là các căn cứ để thu hồi đất phục vụ cho phát triển KT-XH”, bà Nương đề nghị.
Tán thành nâng thời hạn giao đất nông nghiệp lên 50 năm Dự thảo luật quy định thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân hạn thống nhất là 50 năm, không phân biệt đất trồng cây hằng năm và cây lâu năm. Qua thảo luận, TVQH cơ bản nhất trí với ý kiến của thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng “việc kéo dài thời hạn sử dụng đất lên 50 năm sẽ khắc phục được sự bất bình đẳng giữa thời hạn sử dụng đất của nông dân với doanh nghiệp, người nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất”. |
Bảo Cầm
>> Gần 200 tỉ đồng hỗ trợ dân bị thu hồi đất
>> Sửa đổi luật Đất đai: Nóng chuyện thu hồi đất
>> Nhiều thiếu sót trong thu hồi đất ở Dương Nội
>> Chính phủ chỉ đạo kiểm tra việc thu hồi đất tại Đà Nẵng
Bình luận (0)