Ngày 30.8, Sở TN-MT TP.HCM cho biết, sẽ vận dụng các cơ chế chính sách theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội và luật Đất đai 2024 khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gọi tắt là bồi thường) dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Dự án này chia làm 4 thành phần: đầu tư xây dựng đường cao tốc theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc và 2 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM và Tây Ninh.
Dự án bồi thường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua TP.HCM dài 24,6 km, đi qua 11 xã của H.Củ Chi gồm: Phước Thạnh, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Phước Hiệp, Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Tân Phú Trung.
Theo UBND H.Củ Chi, diện tích đất bị thu hồi hơn 182 ha của 1.808 trường hợp, trong đó có 336 trường hợp đủ điều kiện tái định cư. Ước tính kinh phí bồi thường dự án đoạn qua TP.HCM khoảng 7.100 tỉ đồng, tăng 1.832 tỉ đồng so với thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Lý do, dự toán ban đầu tính chi phí bồi thường theo luật Đất đai 2013, nhưng đến nay luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1.8 nên phải áp dụng theo luật mới.
Về tiến độ bồi thường, địa phương dự kiến ban hành thông báo thu hồi đất trước ngày 10.9. Tiếp đó, UBND H.Củ Chi thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thu thập hồ sơ pháp lý, xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng, hoàn thành trước ngày 30.10.
Sở TN-MT đề nghị bồi thường theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 áp dụng cho tất cả trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp vừa có đất ở, vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn. Giai đoạn 2 áp dụng cho các trường hợp còn lại.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài khoảng 51 km, điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM thuộc H.Củ Chi, điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 thuộc H.Bến Cầu, Tây Ninh. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô 4 làn xe, thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2027, tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỉ đồng.
Khi hoàn thành, cao tốc này sẽ chia sẻ lưu lượng xe đi vào tuyến quốc lộ 22, tăng sức cạnh tranh do giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đi - đến TP.HCM. Dự án cũng tạo ra liên kết giữa Vành đai 3, Vành đai 4 với tỉnh Tây Ninh và nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát trong tương lai, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bình luận (0)