Thu hồi đất làm KCN Bàu Xéo, vì sao khiếu nại kéo dài?: Phải xem lại pháp lý dự án

Đình Phú
Đình Phú
10/11/2018 05:59 GMT+7

Mặc dù chỉ mới dừng ở mức chấp thuận chủ trương, nhưng khu công nghiệp Bàu Xéo vẫn được triển khai xây dựng và hoạt động trên thực tế, thông qua các “quyết định nội bộ” của tỉnh Đồng Nai.

Tùy tiện duyệt quy hoạch, thu hồi đất
Liên quan chủ trương thành lập khu công nghiệp (KCN) Bàu Xéo (H.Trảng Bom, Đồng Nai), Thủ tướng có 3 văn bản. Cụ thể, căn cứ vào đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, ý kiến của Bộ KH-ĐT và Bộ Xây dựng, ngày 25.2.2003, Thủ tướng có Văn bản số 206 về chủ trương xây dựng các KCN tại tỉnh Đồng Nai; theo đó trong 5 KCN được đồng ý chủ trương xây dựng, có KCN Bàu Xéo. Trong Văn bản số 206, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai “lựa chọn những KCN có tính khả thi cao, chủ đầu tư có khả năng về tài chính và thu hút đầu tư để lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình duyệt theo các quy định hiện hành”.
Tiếp đó, ngày 10.12.2003, Thủ tướng có Văn bản số 1671, trong đó yêu cầu sau khi dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai làm đầy đủ thủ tục cho thuê đất để xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Bàu Xéo theo đúng quy định. Đến ngày 24.11.2006, Thủ tướng có Văn bản số 1944 cho phép chủ trương thành lập KCN Bàu Xéo với quy mô diện tích 502,3 ha.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cho đến thời điểm này, Chính phủ chưa có quyết định thành lập chính thức đối với KCN Bàu Xéo. Tuy nhiên, mặc dù chỉ mới dừng ở mức chấp thuận chủ trương, nhưng KCN Bàu Xéo vẫn được triển khai xây dựng và hoạt động trên thực tế, thông qua các “quyết định nội bộ” của tỉnh Đồng Nai. Điển hình vào ngày 12.1.2004, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ luật Đất đai 1993, đã ký Quyết định 101/QĐ.CT.UBND thu hồi hơn 4,4 triệu m2 (tương đương hơn 440 ha) đất tại các xã: Sông Trầu, Tây Hòa, Đồi 61 và TT.Trảng Bom và “tạm giao toàn bộ diện tích đất thu hồi” cho Công ty Tín Nghĩa, Công ty cao su Đồng Nai và các thành viên liên quan để tiến hành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập thủ tục đầu tư xây dựng KCN Bàu Xéo (sau đó các công ty này liên kết làm chủ đầu tư dự án - PV). Đến ngày 29.6.2007, UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định 1903 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 KCN Bàu Xéo với tổng diện tích hơn 499 ha. Theo đó, hàng chục hộ dân bị thu hồi đất liên tục khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan 2 “quyết định nội bộ” này.
Về thẩm quyền thành lập KCN, theo luật sư Hà Thọ, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã “tự biên tự diễn” trong việc thực hiện chủ trương của Thủ tướng là vượt thẩm quyền, không đúng quy định pháp luật. Theo luật sư Thọ, đúng ra sau khi có chủ trương thành lập KCN Bàu Xéo, UBND tỉnh Đồng Nai phải lập báo cáo khả thi trình Thủ tướng phê duyệt dự án cụ thể, thì mới đủ cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng, thu hồi đất… Bởi lẽ, căn cứ theo Nghị định số 36-CP ngày 24.4.1997 của Chính phủ về ban hành quy chế KCN, KCX, khu công nghệ cao, chỉ có Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ mới có thẩm quyền thành lập KCN. Về tính pháp lý của các văn bản số 206, số 1671 và số 1944 liên quan chủ trương thành lập KCN Bàu Xéo, luật sư Thọ cho rằng đó chỉ là văn bản tác nghiệp trong quan hệ hành chính giữa Chính phủ và địa phương, chứ không phải là quyết định thành lập chính thức đối với KCN này.
Bà Nguyễn Thị Kim Bửu, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom (Đồng Nai) liên tục khiếu nại, tố cáo nhiều năm qua vì cho rằng bị thu hồi, cưỡng chế nhà đất trái luật để làm KCN Bàu Xéo

Về pháp lý thu hồi đất, luật sư Hà Thọ khẳng định, dựa vào luật Đất đai 1993 (căn cứ ban hành Quyết định 101/QĐ.CT.UBND), Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai không có thẩm quyền thu hồi đất của người dân để giao cho doanh nghiệp làm KCN. Do đó, việc Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký Quyết định 101 nói trên là vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
Vì sao chưa có quyết định phê duyệt của Thủ tướng, chưa có quy hoạch chi tiết, chưa có quyết định đầu tư..., UBND tỉnh Đồng Nai đã vội “thu hồi và tạm giao đất” cho chủ đầu tư?
Theo tìm hiểu của PV, trong quá trình triển khai các thủ tục về đầu tư KCN Bàu Xéo, Công ty CP Thống Nhất (chủ đầu tư) bị xác định có sai phạm, đặc biệt là khi chưa có dự án đầu tư, quy hoạch chi tiết KCN chưa được phê duyệt, chưa có quyết định cho thuê đất chính thức, chủ đầu tư đã lấy đất “tạm giao” cho thuê lại không đúng quy định pháp luật với tổng số tiền chỉ tính từ năm 2004 đến tháng 3.2006 đã hơn 15 triệu USD (tương đương khoảng 246 tỉ đồng).
Nhập nhèm diện tích
Một vấn đề quan trọng khác mà người dân liên tục khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đó là về diện tích KCN Bàu Xéo.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, KCN Bàu Xéo có tổng diện tích hơn 499 ha. Nhưng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngay từ các năm 2000 - 2003, tại khu vực hiện nay là KCN Bàu Xéo, UBND tỉnh Đồng Nai từng ký hàng loạt quyết định cho nhiều doanh nghiệp khác nhau thuê đất với hàng chục
héc ta. Đáng lưu ý, trong các văn bản chấp thuận chủ trương của Thủ tướng hoàn toàn không xác định cụ thể ranh quy hoạch, trong khi đó ranh quy hoạch trong một số “quyết định nội bộ” của tỉnh Đồng Nai lại không thống nhất nhau.
Cụ thể, Quyết định 828 vào năm 2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 KCN Bàu Xéo rộng 212,5 ha. Trong khi đó, Quyết định 1903 vào năm 2007 của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 KCN Bàu Xéo lại có tổng diện tích hơn 499 ha. Chưa kể, khi phát sinh khiếu nại của người dân về diện tích KCN Bàu Xéo, năm 2007 Hội đồng bồi thường (thuộc UBND H.Trảng Bom) có văn bản báo cáo Thanh tra tỉnh Đồng Nai, đã nêu: “Khi gộp diện tích từ các quyết định để hình thành KCN Bàu Xéo hiện nay thì có tổng diện tích tương đương 505 ha”. Đến năm 2009, trong văn bản trả lời người dân đi khiếu nại, tố cáo về ranh quy hoạch, Sở TN-MT Đồng Nai lại ghi rõ: “Hội đồng bồi thường H.Trảng Bom ghi diện tích KCN Bàu Xéo có diện tích 505 ha là không có cơ sở”.
PV Thanh Niên đến Sở TN-MT Đồng Nai để hỏi rõ, thì một cán bộ của sở này cho biết: “Theo Quyết định 1903 thì rộng hơn 499 ha, còn thực tế KCN Bàu Xéo hiện nay rộng bao nhiêu héc ta thì chưa rõ (?!)”.
KCN Bàu Xéo đã hoạt động trên thực tế với tỷ lệ cho thuê đất trên 86%. Về pháp lý dự án, cần phải xem xét hoàn chỉnh đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của hàng chục doanh nghiệp thứ cấp đã thuê đất để sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trên hết, việc thanh tra của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) đang tiến hành cũng cần phải làm rõ những bất thường tại dự án này, phân định rạch ròi về ranh giới quy hoạch, diện tích KCN… để chấm dứt tình cảnh thống khổ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có nhà đất bị thu hồi, cưỡng chế.
Thu hồi đất của dân phải làm đúng luật
Ngày 9.11, tiếp nhận thông tin PV Thanh Niên chuyển đến, ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cho biết đoàn công tác của tổng cục đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án có sử dụng nhiều đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có dự án KCN Bàu Xéo. Về hướng xử lý những “bất thường” tại KCN Bàu Xéo, ông Khuyến cho biết phải chờ kết quả thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, đối với việc thu hồi nhà đất của người dân làm dự án, theo quan điểm của ông Khuyến, là phải thực hiện đúng quy định pháp luật.
Trong khi đó, tiếp xúc với PV, các hộ dân đi khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài, khẳng định họ không phản đối chủ trương thành lập KCN Bàu Xéo. “Nếu thu hồi nhà đất đúng quy định để làm vì sự phát triển, chúng tôi chấp hành. Chúng tôi chỉ khiếu nại việc tùy tiện thu hồi nhà đất không đúng quy định”, một hộ dân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.