Thu hút đầu tư: Loay hoay điện rác, vì sao?

18/06/2020 08:00 GMT+7

Cũng như nhiều địa phương khác, điện rác đang được TP.Đà Nẵng ưu tiên phát triển để giải quyết các vấn đề môi trường, một số nhà đầu tư quan tâm… nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Tại chương trình tọa đàm “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại VN” do Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI) vừa tổ chức đầu tháng 6 ở TP.Đà Nẵng, nhiều đại biểu dẫn số liệu từ Bộ TN-MT cho thấy mỗi năm VN có 25 triệu tấn rác, trong đó chỉ có 30% xử lý đốt, sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp. Từ đó, đặt ra vấn đề xử lý không hợp lý khiến rác là vấn đề xã hội cấp bách, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng, dẫn câu chuyện bãi rác chôn lấp Khánh Sơn (Đà Nẵng) đang quá tải để lưu ý về nguy cơ không còn chỗ chôn lấp rác đang xảy ra ở các đô thị lớn…
Trong khi đó, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, cho hay dù đang có 26 hồ sơ từ nhà đầu tư quan tâm, đề xuất dự án điện rác nhưng đợt xét tuyển vừa qua TP.Đà Nẵng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư thực sự có năng lực, kinh nghiệm tiếp cận với công nghệ tiên tiến thế giới.

Nhiều lý do để lựa chọn

Theo ông Tô Văn Hùng, từ năm 2017, TP.Đà Nẵng đã đề xuất nghiên cứu nội dung liên quan đến xử lý rác thải, tuy nhiên đến nay các chuyên gia chưa cho đáp án phù hợp. Thực tế này khiến TP.Đà Nẵng vẫn đang xử lý chôn lấp “không hợp vệ sinh”, với giá chôn lấp trên 20 USD/ tấn. “TP.Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư điện rác từ năm 2012, nhưng quy trình triển khai dự án hết sức khó khăn do phải lấy ý kiến 7 - 8 cơ quan mất 4 tháng. Nhiều công nghệ điện rác cũng chưa phù hợp năng lực tài chính địa phương”, ông Hùng nói.
TS Mai Huy Tân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (Videbridge), đề nghị trong việc giải quyết vấn đề “đầu ra”, EVN bắt buộc phải mua không thương lượng đối với các nhà máy điện rác và thu mua không giới hạn. “Điện rác có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống phát điện quốc gia vì có thể phát liên tục 365 ngày, không giống như điện mặt trời. Hình thức đầu tư hiện nay giống PPP nhưng chủ yếu vốn tư nhân, Nhà nước chỉ xử lý bên ngoài, việc đầu tư xử lý rác không phải đầu tư công, nhà đầu tư phải tính toán kinh tế”, TS Tân chia sẻ.
Theo tính toán của TS Mai Huy Tân, dự án điện tác có thể trả nợ vay trong 15 năm, sau đó hoàn vốn và nộp thuế cho nhà nước và có thể liên tục hoạt động 30 năm không hỏng hóc. “TP.Đà Nẵng cần quyết liệt hơn trong lựa chọn công nghệ cũng như nhà đầu tư trong tương lai”, TS Mai Huy Tân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, thì cho rằng lựa chọn công nghệ điện rác nào đều phải dựa vào bài toán kinh tế kỹ thuật và môi trường, có thể không lựa chọn công nghệ tốt nhất mà là công nghệ hợp lý nhất. Nhà đầu tư có nguồn thu bán điện, TP hỗ trợ xử lý rác và bán than cốc. Nhà đầu tư nào đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn, hợp lý giá thành thì khả năng được thành phố cân nhắc mời thầu cao hơn.
TS Mai Huy Tân nhắc lại thực tế, tại VN, phương án chôn lấp rác đang chiếm đến 75% và phần lớn không hợp vệ sinh. Đa số lò đốt rác ở VN cũng có công suất thấp và thải ra nhiều tro gây độc hại. Hiện chỉ có duy nhất dự án ở Cần Thơ phát điện năm 2018 là dự án thành công. Vì thế, theo ông, quan điểm giải quyết rác bằng công nghệ hiện đại và phù hợp (trong đó nhấn mạnh gắn năng lực tái tạo với bảo vệ môi trường) mà trung ương đặt ra đã khuyến khích tư nhân tham gia các dự án PPP. Tất nhiên, cần có các yêu cầu đảm bảo để lựa chọn công nghệ đốt rác, như phải xử lý được tất cả rác, không yêu cầu phân loại tại nguồn (nhờ hệ thống phân loại tự động), không có tro bay và khí thải độc hại, tro xỉ chôn lấp dưới 2%, diện tích tiết kiệm (nhà máy điện rác 2.000 tấn/ ngày cần dưới 8 ha), hiệu suất sản xuất cao để phát điện liên tục 8.600 giờ/ năm…
Lựa chọn địa phương để triển khai
GS-TS Đặng Kim Chi (thành viên Hội đồng khoa học công nghệ giáo dục và môi trường - Ủy ban MTTQ VN) cho rằng, theo quy hoạch phát triển nguồn điện rác (dự thảo) đến 2035, có 65 nhà máy điện rác ở 30 tỉnh thành với tổng công suất lắp đặt khoảng 1.290 MW. "Cần lựa chọn các địa phương có lượng rác lớn để làm điện rác chứ không nên thực hiện ở mọi địa phương. Bởi nếu không có lượng lớn rác để xử lý sẽ gây phung phí nguồn vốn lắp đặt, vận hành", GS-TS Đặng Kim Chi nói.
Về khía cạnh kinh tế, điện rác cần vốn đầu tư lớn nhất nhưng đầu tư ban đầu làm đa dạng nguồn cung năng lượng, tạo nguồn thu từ bán năng lượng tái tạo, tiết kiệm đất đai dành cho chôn lấp, giảm chi phí xử lý ô nhiễm (nước rỉ rác, mùi hôi…). Chính phủ, Bộ TN-MT khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện, tuy đã có nhiều dự án nhưng hiệu quả chưa mong muốn, lượng rác chôn lấp vẫn còn 20%.
 
“TP.Đà Nẵng cần quyết liệt hơn trong lựa chọn công nghệ cũng như nhà đầu tư trong tương lai”
TS Mai Huy Tân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Videbridge
              
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.