Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, TS Yoshino (ảnh) cũng đề cập những sáng kiến thu hút sự tham gia của tư nhân trong nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng của VN.
Quá phụ thuộc vào chính phủ
Ông đánh giá như thế nào về hoạt động SOE tại VN?
Ảnh: Đậu Tiến Đạt |
|
Hiện làn sóng tư nhân đang đổ xô vào VN, tạo nên thách thức không nhỏ buộc SOE phải thay đổi. Cả SOE và các công ty tư nhân đang cạnh tranh nhau một cách bình đẳng, chẳng hạn như thuế suất cần phải tương đồng, nên cần phải chú trọng khía cạnh quản trị để tạo nên hiệu quả.
Thứ hai, nhiều công ty tư nhân áp dụng các khoản khuyến khích cho người lao động, ví dụ nếu tạo ra nhiều lợi nhuận người lao động có thể nhận được tiền thưởng. Thế nhưng, nhiều SOE lại không áp dụng cơ chế này. Đó là lý do tôi cho rằng đã đến lúc công ty nhà nước cần phải xây dựng cơ chế khích lệ lao động.
Thứ ba, SOE theo thời gian nên chuyển sang cổ phần hóa, và một trong những biện pháp là bán cổ phiếu, và có thể khuyến khích tư nhân tham gia mua cổ phiếu của SOE. Điều cuối cùng và cũng là quan trọng nhất đó chính là vai trò của chính phủ. Đây là vai trò xây dựng chính sách, chẳng hạn như về tài khóa, để đảm bảo mọi chuyện được vận hành tốt.
Xin ông chia sẻ những bài học tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Nhật Bản
Đường sắt Nhật Bản là một ví dụ điển hình cho nỗ lực tư nhân hóa SOE của Nhật Bản. Ban đầu, đây là một tập đoàn trực thuộc nhà nước, có tầm hoạt động trải rộng khắp lãnh thổ. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động không hiệu quả, chính phủ quyết định phân thành 7 hãng đường sắt tư nhân. Sự sắp xếp này tạo nên không khí cạnh tranh trong nội bộ. Bên cạnh đó, trước đây đa số lợi nhuận đến từ việc bán vé xe lửa, nhưng nguồn thu này hầu như không đủ, buộc họ phải tìm cách phát triển ga tàu, bất động sản và bắt tay vào những lĩnh vực kinh doanh khác. Lúc đó tư nhân vào cuộc và mô hình hợp tác công - tư chứng tỏ thành công.
Trường hợp thứ hai là Tổng công ty Bưu chính Nhật Bản, trong quá khứ là doanh nghiệp nhà nước, từ dịch vụ thư tín, tiết kiệm thông qua hệ thống bưu điện, dịch vụ bảo hiểm… Tuy nhiên, công cuộc cổ phần hóa và tư nhân hóa ngành bưu điện được triển khai. Đến năm ngoái, Bưu chính Nhật Bản đã được tư nhân hóa.
Mỗi công trình cơ sở hạ tầng đều có thể phát triển cả khu vực
Làm sao thu hút tư nhân đầu tư vào hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn là điều thiết yếu để VN tiếp tục duy trì đà phát triển trong những năm tới, theo phân tích của ADB?
Cơ sở hạ tầng như đường sá trước đây không mang lại doanh thu. Các tuyến đường cao tốc có thể mang đến một số khoản thu cơ bản, nhưng vẫn chưa đủ thu hút lĩnh vực tư nhân. Đó là lý do tại sao đường sá thường chật hẹp. Tuy nhiên, một khi các tuyến đường hoàn thành, địa phương xung quanh cũng theo đó phát triển. Những chung cư mới mọc lên, các công ty kéo đến, những nhà hàng lần lượt khai trương. Không sai khi nói rằng mỗi công trình cơ sở hạ tầng đều có thể phát triển cả khu vực. Thế là doanh thu thuế tại địa phương tăng theo, từ thuế doanh nghiệp, bất động sản, thuế thu nhập, thuế bán hàng...
Vấn đề ở đây là toàn bộ các khoản thuế thu được đều chảy vào chính phủ. Để khuyến khích giới tư nhân tham gia cơ sở hạ tầng, tôi cho rằng nhà nước nên hoàn lại 50% số doanh thu thuế gia tăng cho các nhà đầu tư, từ đó nâng cao tỷ suất hoàn vốn và tiếp tục kích thích tư nhân đầu tư nhằm đẩy mạnh sự phát triển của khu vực. (Doanh thu thuế gia tăng là khoản thuế được nhận thêm do hệ thống đường sá xuất hiện, chứ không phải là khoản thuế luôn có trước khi mở rộng các tuyến đường).
Một nguồn vốn nhàn rỗi khác mà VN đang nắm trong tay chính là Quỹ hưu trí. Đây là nguồn tài chính thích hợp nếu cân nhắc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn là lĩnh vực “ngậm vốn” trong thời gian dài, từ 20 - 30 năm. VN có sẵn nguồn tài chính nhưng tỷ suất hoàn vốn quá chậm nên điều quan trọng là đẩy nhanh tốc độ này bằng cách dựa vào biện pháp chia sẻ doanh thu thuế tăng thêm.
Bình luận (0)