Thu hút vốn FDI của ĐBSCL chưa bằng ¼ tỉnh Quảng Ninh

Đình Tuyển
Đình Tuyển
28/03/2024 21:09 GMT+7

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào vùng ĐBSCL tiếp tục sụt giảm, trong đó năm 2023 cả vùng thu hút được 139 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 740 triệu USD chưa bằng 1/4 tỉnh Quảng Ninh.

10 doanh nghiệp mới thì 9 ngừng hoạt động

Chiều 28.3, tại TP.Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nghiệp với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023 - nhận diện thách thức và triển vọng phát triển nhìn từ tác động của luật Đất đai 2024". Hơn 300 doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL tham dự chương trình…

Điểm lại tình hình kinh tế vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL cho biết, đã có những điểm tích cực là tăng trưởng kinh tế ĐBSCL có dấu hiệu phục hồi tốt; tiếp tục là vùng có sức cầu thương mại lớn, chỉ sau Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Thu hút vốn FDI của ĐBSCL chưa bằng ¼ tỉnh Quảng Ninh- Ảnh 1.

Thu hút vốn đầu tư FDI ở các địa phương ĐBSCL rất thấp, tỷ lệ doanh nghiệp/1.000 dân cũng thấp nhất cả nước dẫn tới thiếu việc làm, thất nghiệp cao

ĐÌNH TUYỂN

Tuy nhiên, Giám đốc VCCI ĐBSCL cũng đưa ra nhiều con số rất đáng suy nghĩ. Đó là tổng đầu tư cho ĐBSCL liên tục giảm so với cả nước, giảm từ 18,7% (2017) còn 14,9% (2022). Doanh nghiệp ĐBSCL thiếu và yếu, bình quân mỗi năm trên 10 ngàn doanh nghiệp mới thành lập, nhưng trên 90% lại mất đi. Như năm 2023, ĐBSCL có 11.381 doanh nghiệp thành lập mới nhưng con số ngừng hoạt động, giải thể lên tới 10.514 doanh nghiệp, tức chỉ có thêm 867 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu toàn doanh nghiệp nhỏ. Tỷ lệ doanh nghiệp/1.000 dân ở ĐBSCL cũng thấp nhất cả nước.

Thu hút vốn FDI của ĐBSCL chưa bằng ¼ tỉnh Quảng Ninh- Ảnh 2.

Hơn 300 doanh nghiệp tham dự chương trình gặp gỡ doanh nghiệp với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023 - nhận diện thách thức và triển vọng phát triển nhìn từ tác động của luật Đất đai 2024"

ĐÌNH TUYỂN

Đặc biệt, vốn FDI vào vùng này tiếp tục sụt giảm. Năm 2023 cả vùng thu hút được 139 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 740 triệu USD, trong đó Long An chiếm tới 80%. Con số này của cả ĐBSCL chưa bằng số vốn FDI của tỉnh Bình Phước (747 triệu USD) và chưa bằng 1/4 tỉnh Quảng Ninh (3,1 tỉ USD). "Điều đó dẫn tới kết quả buồn là tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của ĐBSCL hiện nay cao nhất cả nước", ông Lam nói. Năm 2023, tỷ lệ thiếu việc làm bình quân của cả nước 2,2% thì ĐBSCL là 3,6%; tương tự tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 2,35%, còn ĐBSCL là 2,8%.

Gặp khó nhiều nhất về thị trường

Chương trình của VCCI cũng đưa ra kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023 và dự báo năm 2024 cho thấy khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải nhiều nhất là thị trường tiêu thụ (chiếm 28,6%), tiếp theo là sự bất ổn của chính trị, kinh tế thế giới (20,4%), nguồn vốn vay (chiếm 18,4%)… Chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia, cũng như bất ổn về chính trị trên thế giới đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đơn hàng giảm hụt… Từ đó khiến cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp còn phải dừng luân phiên và sản xuất cầm chừng.

Thu hút vốn FDI của ĐBSCL chưa bằng ¼ tỉnh Quảng Ninh- Ảnh 3.

Các doanh nghiệp ĐBSCL cũng đang gặp phải các khó khăn về chi phí logistics và chi phí lao động (đều chiếm tỷ lệ 21,4%)

ĐÌNH TUYỂN

Bên cạnh đó, 2 chi phí logistics và chi phí lao động (đều chiếm tỷ lệ 21,4%) cũng khiến các doanh nghiệp ĐBSCL gặp khó nhiều nhất; tiếp đến là nguồn vốn (chiếm 20,6%), giá xăng dầu (chiếm 12,7%)… "Qua ghi nhận từ doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy mong muốn nhận được hỗ trợ nhiều nhất là xúc tiến thương mại, đầu tư, tìm kiếm các đối tác, cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh, hoạt động thông tin về môi trường kinh doanh, đào tạo chuyên sâu, kết nối nguồn vốn/tài chính, tư vấn pháp luật, tham vấn chính sách, khởi nghiệp sáng tạo… Đây là nguồn thông tin quan trọng chúng tôi sẽ tập trung triển khai đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Lam nói.

VCCI ĐBSCL cũng đưa ra nhận định về triển vọng phát triển kinh tế năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp trong khu vực vẫn khá lạc quan rằng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn. Theo khảo sát, có 75,8% doanh nghiệp cho rằng doanh thu sẽ tăng; 74,1% doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận tăng, việc làm sẽ tăng lên với 57,9% doanh nghiệp lựa chọn lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.