Thủ khoa bật mí: Giai đoạn 'nước rút' ôn thi thế nào cho hiệu quả?

30/06/2020 13:50 GMT+7

Trong giai đoạn cận kề mùa thi, không phải học sinh nào cũng biết cách ôn tập cho hiệu quả. Vậy các thủ khoa đã học và ôn thi như thế nào?

Lê Thị Ngọc Ánh, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) năm 2019, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để giúp thí sinh có thể “bỏ túi” vài bí kíp.

Hoàn cảnh thôi thúc bản thân cố gắng nhiều hơn

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông, 4 chị em đều ăn học từ hai bàn tay cực khổ của cha mẹ, từ nhỏ Ánh đã hiểu rõ sự khó khăn chồng chất ấy và càng khao khát về một tương lai tươi sáng hơn, được chăm lo cho bố mẹ chu đáo hơn.

“Mình luôn đặt mục tiêu trong từng năm học và luôn cố gắng đạt được. Cũng như các bạn, thời gian luyện thi đại học của mình rất gian nan, là sự cộng hưởng của áp lực về thời gian, kỳ vọng của bản thân và những người xung quanh... Nhưng nỗ lực nào rồi cũng được đền đáp xứng đáng...”, Ánh nói.

Với Ánh, hoàn cảnh càng giúp cô cố gắng và nỗ lực nhiều hơn

HOA NỮ

Ngọc Ánh bày tỏ: “Thành quả ngày hôm nay là nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố, là sự nỗ lực của mình, động viên từ gia đình, may mắn khi được những thầy, cô luôn tạo động lực cho mình. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình khó khăn thôi thúc mình cố gắng nhiều hơn và ước mong về một tương lai tươi sáng mãnh liệt hơn”.

Khi trở thành thủ khoa khiến Ánh vô cùng tự hào, thế nhưng: “Mình đã ôn thi và khát khao đậu đại học không phải để trở thành thủ khoa, mà là để có cơ hội bước tiếp trên chặng đường mà mình đã lựa chọn. Vì thế, mình mong các bạn hãy nỗ lực hết sức có thể chứ không dừng lại ở giới hạn nào cả”.

Các môn cần có thời gian học khác nhau

Thủ khoa khối A1 với tổng số điểm 3 môn là 27,95 (toán 9,6; lý 8,75; tiếng Anh 9,6), Ngọc Ánh cho rằng phương pháp học hiệu quả nhất là nên chia thời gian học hợp lý cho từng môn.

Theo Ánh mỗi môn đều là yếu tố quan trọng cấu thành nên điểm thi, nên việc có kế hoạch rõ ràng cho từng môn là rất cần thiết. Tuy nhiên, một điều không thể thay đổi dù học bất kỳ môn nào chính là cần nắm vững kiến thức cơ bản. Tiếp theo đó, các bạn cần xác định những kiến thức nào mình chưa vững thì củng cố, sau đó mới đi sâu hơn, tương ứng với các mức điểm 8, 9, 10 khi làm đề thi thử. Bên cạnh đó, các bạn cần chia thời gian học tập hợp lý, chẳng hạn như học tiếng Anh vào buổi sáng khi não bộ minh mẫn và có khả năng ghi nhớ tốt nhất, còn các môn tự nhiên nên học, giải bài tập vào buổi chiều hoặc tối.

Ngọc Ánh cho biết lúc ôn thi, lo lắng quá mức hay dẫn đến việc đăng ký học tràn lan và không đúng chỗ, vừa tốn tiền, vừa tốn công sức và thời gian

HOA NỮ

Nhắc đến những sai lầm dễ mắc phải của thí sính, Ngọc Ánh cho biết, thứ nhất là lúc ôn thi lo lắng quá mức hay dẫn đến việc đăng ký học tràn lan và không đúng chỗ, vừa tốn tiền, vừa tốn công sức và thời gian. Bí quyết của Ánh là chọn được người thầy truyền được động lực học tập chứ không phải chọn vì thầy giỏi.

“Thứ hai, đi thi ai mà không run, nhưng bí kíp duy nhất chính là đừng để đến lúc bước vào phòng thi rồi tiếc nuối vì đã không chịu ôn bài kỹ, thà mồ hôi rơi trên sách còn hơn nước mắt rơi trên đề nha các bạn...”, Ánh chia sẻ.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng. Vì vậy, các bạn nên tìm tòi những công thức, phương pháp tính nhanh ở các dạng bài khác nhau; phải làm bài tập nhiều mới tạo cho mình kỹ năng và kinh nghiệm phân loại câu hỏi, vì thực nghiệm mới có kinh nghiệm”, Ánh gửi gắm. 

Một tháng trước khi thi, ôn thế nào hiệu quả?

Giai đoạn “nước rút” theo Ánh sẽ gây áp lực và căng thẳng cho thí sinh. Và đối với Ánh trong giai đoạn này, việc học diễn ra không phải chỉ khi ngồi vào bàn học.

“Mình không phải là thần thánh nên cũng không ít lần ngồi vào bàn học và làm bài hoài không ra, bên cạnh đó còn có việc nhà và những sinh hoạt khác. Thế thì phải làm sao? Mỗi khi căng thẳng như vậy, mình hay rời bàn, uống một ly nước, hít thở đều để thư giãn. Mình suy nghĩ, không chỉ học trên bàn học mà đôi khi thay đổi không gian học tập sẽ giúp mình đỡ tù túng, nghĩ ra nhiều kết quả đáng ngạc nhiên”, Ánh chia sẻ.

Theo Ánh, việc học nhóm là một phương pháp rất hữu hiệu vì sẽ có cảm giác khi vừa được ở cạnh bạn bè, vừa được học tập và cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu phía trước

HOA NỮ

Cô nàng thủ khoa kể thêm trong những tháng cuối cùng ôn thi đại học, Ánh từng bị áp lực và sợ hãi, đặc biệt là mỗi khi làm bài không ra, làm bài thi thử “cháy” giờ thì lại càng hoang mang. Nhưng nhờ có sự động viên và tư vấn của các anh chị khóa trước, Ánh đã bình tĩnh và hệ thống lại những kiến thức chưa vững, chưa hiểu sâu, rồi bắt đầu dành thời gian để ôn lại.

“Sau khi đã tự tin hơn, mình quay lại giải đề thi thử. Ban ngày thì mình học ở trường, rồi tổ chức các nhóm luyện đề với các bạn, khi làm bài xong thì cùng nhau kiểm tra đáp án và thảo luận, chỉ bài lẫn nhau... Đây là cách học rất hữu hiệu vì mình có cảm giác vừa được ở cạnh bạn bè, vừa được học tập và cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu phía trước”, Ánh nói.

Ban đêm thì cô nàng thủ khoa học online, theo dõi các livestream sửa bài từ các thầy cô, rồi ngồi xem lại các đề thi thử, giải lại những bài khó, học hỏi cách làm mới, cách tiếp cận mới và khắc phục những lỗi sai của những bài tập nhỏ. Ánh không dành mục tiêu giải quá nhiều đề thi thử mà chọn cách phải làm sao tiếp thu tối đa những đề đã làm và học tập từ sai lầm của chính mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.