“Thật ra, môn sử yêu cầu khả năng tư duy logic rất cao, vì vậy mà em yêu thích nó như đã yêu thích các môn toán và hóa” - Tôn Nữ Thùy Linh tâm sự.
Với cách học môn sử bằng tất cả niềm đam mê và yêu thích, Linh đã tìm tòi một cách học đúng đắn. Đó là học đúng những kiến thức cơ bản, ghi những sự kiện ra ngoài và đặc biệt tìm tòi mỗi sự kiện đều có nguyên nhân, ý nghĩa, kết quả.
Những phần nào đã học rồi thì Linh đánh dấu, lưu ý những phần mình chưa để tâm. Và khi học, có sự liên tưởng về các sự kiện, tìm tòi thêm các thông tin liên quan đến sự kiện để hiểu biết nhiều hơn.
“Điều cốt lõi mà em cần nắm khi học môn sử là: hệ thống lại kiến thức, biến các sự kiện đó diễn ra theo trình tự, hệ thống lại giai đoạn của lịch sử, sẽ rất dễ để nắm ngày tháng của các sự kiện”, Linh chia sẻ về cách học của mình.
Thầy Đặng Công Thành - giáo viên dạy sử của Linh nhận xét: “Linh rất biết cách học, chính vì vậy mà suốt 3 năm THPT, em đều đoạt giải nhất học sinh giỏi thành phố môn sử. Linh không đi học thêm, nhưng luôn tìm cách bồi bổ kiến thức của mình thông qua các tài liệu, sách báo mà em có được. Mỗi sự kiện lịch sử em biến nó thành câu chuyện để nhớ lâu, nhớ sâu hơn”.
Một điều mà bạn bè đều rất ngạc nhiên về cô bạn mê môn sử này, đó là tinh thần vượt khó. Hiếm ai biết, mỗi ngày để đến trường, Linh phải đạp xe đạp cả đi lẫn về là 32 km. Nhà Linh tuy ở Đà Nẵng (tổ 26, P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn) nhưng là gia đình thuần nông. Gia đình Linh là hộ nghèo, một mình mẹ Linh đã ngoài 60 tuổi, là lao động chính. Với 4 sào ruộng, mẹ Linh và 2 chị em sinh đôi cày bừa. Cha Linh trong một tai nạn lao động đã mất đi một chân, anh trai thì mắc bệnh tâm thần. Hằng ngày, cứ có thời gian rảnh là Linh và chị gái ra vườn trồng sắn, trồng rau, khoai… giúp mẹ. Nhưng ở cô học trò mê sử này, luôn thể hiện sự lạc quan và tự tin.
Diệu Hiền
Bình luận (0)