Chọn trường vì yêu trường
Mới đây, trong lễ tốt nghiệp bác sĩ và cử nhân y khoa năm học 2022 - 2023, do Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức, tân cử nhân y khoa Nguyễn Triệu Nam đã được vinh danh vì tốt nghiệp thủ khoa toàn khóa cử nhân y khoa khóa học 2019 - 2023, với mức điểm trung bình 4 năm học là 8,4.
Trò chuyện với Thanh Niên, Nam cho biết, anh không ngờ là lựa chọn tưởng chừng như "bất đắc dĩ" của mình cách đây 4 năm lại đưa đến một kết quả tuyệt vời như hôm nay.
"Tôi quyết định học ngành kỹ thuật xét nghiệm Trường ĐH Y Hà Nội là bởi vì quá yêu ngôi trường này, ngôi trường mà tôi vẫn đạp xe đi học qua đây suốt 3 năm THPT", anh Nam chia sẻ.
Theo Nam, từ nhỏ anh đã ước mơ trở thành bác sĩ, nên khi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) là anh bắt tay ngay vào việc ôn luyện khối B. Đường từ nhà đến trường đi qua Trường ĐH Y Hà Nội, vì thế hình ảnh tòa nhà hiệu bộ Trường ĐH Y Hà Nội hết sức quen thuộc với anh. Đã bao nhiêu lần, khi đạp xe ngang qua cổng trường, anh lại tự thốt lên với chính mình, "giá như mình được trở thành sinh viên của ngôi trường này!".
Tuy nhiên, cuộc đua vào ngành y đa khoa của trường đại học hàng đầu về ngành y này là rất khốc liệt. Anh Nam được gần 25 điểm, trong khi điểm chuẩn vào ngành y đa khoa năm đó là 26,75. Khi đặt nguyện vọng, biết mức điểm của mình khó đậu vào ngành y khoa của ngôi trường mình mơ ước nên anh cũng phân vân nghĩ tới phương án chọn y khoa của một số trường y dược đặt ở các địa phương khác như Thái Nguyên, Thái Bình... Nhưng rồi, anh Nam đã quyết đặt nguyện vọng 2 là kỹ thuật xét nghiệm - Trường ĐH Y Hà Nội.
"Bố mẹ tôi cũng băn khoăn, hỏi sao lại quyết định học ngành này. Thậm chí, còn có ý kiến góp ý là tôi nên ôn thi lại. Nhưng trước đó tôi tìm hiểu rồi thì thấy ngành kỹ thuật xét nghiệm cũng có vẻ thú vị, nên tôi đánh cược lựa chọn của tôi cho sự may rủi. Ai ngờ đó lại là lựa chọn rất sáng suốt", anh Nam cười sung sướng.
Hào hứng với chân trời tri thức mới
Nam cho biết, anh là một người rất tò mò, thích khám phá tri thức, nên thấy mình rất hợp với các môn học của ngành kỹ thuật xét nghiệm. Năm đầu phải học nhiều các môn chung nên anh Nam chưa hào hứng lắm. Nhưng từ khi được học các môn cơ sở ngành, đặc biệt là từ khi được đi thực tập tại các bệnh viện khi học môn giải phẫu bệnh phẩm thì anh Nam thật sự say mê ngành học của mình.
Việc học trở thành một hoạt động thú vị khi mà nó thỏa mãn sự tò mò. Trước đó, kiến thức đến thông qua trí tưởng tượng, sau đó thì phần thực nghiệm giúp người học tiếp cận với kiến thức thực (là kiến thức được chính mình minh chứng, khẳng định). Nam còn nhận thấy cơ hội phát triển cá nhân của mình là rất lớn, bởi anh có thể tiếp tục học cao hơn, tiếp cận kiến thức sâu hơn, có thể làm được nhiều điều hữu ích để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
"Các kỹ thuật viên xét nghiệm y học là những người đầu tiên tiếp xúc với các mẫu bệnh phẩm, các loại virus, vi khuẩn… Hồi đầu mới đi thực tập, tiếp xúc với sinh phẩm, tôi cũng thấy hơi ghê ghê, nhất là khi thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên mô cắt một phần của bệnh nhân. Nhưng về sau thì cảm giác ghê ghê không còn, thay vào đó là sự hứng thú vì được trực tiếp trải nghiệm hành trình khám phá kiến thức mới", anh Nam kể.
Một cái rủi, nhưng cũng là cái may, khi khóa học của anh Nam phủ trọn thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19. Tuy thời gian diễn ra dịch Covid-19, anh Nam và các bạn không còn được đến bệnh viện để thực tập.
Nhưng bù lại, anh Nam và các bạn được trực tiếp tham gia các hoạt động cùng nhà trường, ngành y tế chiến đấu chống đại dịch, nên trau dồi được cho mình nhiều kỹ năng quý giá cho một kỹ thuật viên xét nghiệm sau này. "May mắn của chúng tôi là được thực tập tại các bệnh viện lớn nên kiến thức thu được luôn cập nhật và toàn diện", anh Nam nói.
Lý giải về việc vì sao mình có kết quả học tập vượt trội so với bạn bè cùng lứa, anh Nam nói: "Ngoài việc chăm chỉ, chịu khó khi đi học lâm sàng, tôi còn yêu thích việc đọc tài liệu liên quan. Tôi không chỉ đọc nhiều tài liệu tiếng Việt mà còn đọc nhiều tài liệu tiếng Anh. Chính các tài liệu tiếng Anh đã mở mang cho tôi nhiều điều mới mẻ, thú vị, nó cho tôi thấy thực sự có cả một kho tài nguyên khoa học vô tận cho mình thỏa thích khám phá".
Bình luận (0)