Thủ khoa 39 điểm ngày ấy...
Năm 2014, Nguyễn Thị Ái Trâm xin gia đình rời quê nhà ở tỉnh Bến Tre lên TP.HCM để tiếp tục học lớp 12. Với hoài bão trở thành bác sĩ, nên từ một trường ở nông thôn Trâm đã chọn và chuyển đến học tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM.
Trâm nhớ rõ vào năm ấy, mọi sự tập trung của bản thân đều dồn vào việc đậu đại học khối B (toán, hóa học, sinh học), nhưng trước hết là phải tốt nghiệp THPT. Năm học lớp 12, Trâm đề ra kế hoạch khá khắt khe cho việc học của mình, từ học bài, ôn thi, giải đề hầu như được thực hành mỗi ngày. Và chính nhờ có kế hoạch học tập nghiêm túc, mục tiêu rõ ràng mà việc vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT khá dễ dàng đối với Trâm.
“Áp lực của tôi lúc đó là ôn thi cùng lúc các môn để thi tốt nghiệp và đại học, vì có những môn không trùng nhau. Tôi chỉ đặt ra mục tiêu là làm bài thi tốt nhất trong khả năng của mình. Đó là vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học từ thầy cô và giữ cho tinh thần tốt nhất khi làm bài trong phòng thi”, Trâm chia sẻ.
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trâm vẫn ở lại trường để ôn luyện cho kỳ thi đại học. Ngày công bố điểm thi Trâm như vỡ òa, bởi vì không nghĩ mình là thủ khoa của kỳ thi năm đó. Tổng số điểm thi của Trâm là 39, với 3 môn toán, vật lý, hóa học đều 10 điểm. Riêng môn ngữ văn Trâm đạt được 9 điểm.
“Khi công bố điểm và biết mình thủ khoa, cảm giác ấy cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên. Lúc đó tôi như vỡ òa cảm xúc. Vỡ oà vì bất ngờ, hạnh phúc và vì cảm giác mình vừa làm được điều gì đó cho ba mẹ và thầy cô tự hào”, Trâm nhớ lại.
Sau khi đã tốt nghiệp THPT, Trâm thi tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM và ngành kỹ thuật hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, kết quả Trâm đậu cả hai trường. Cuối cùng Trâm lựa chọn theo học Trường ĐH Y dược TP.HCM để biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Không ngủ quên trên chiến thắng
Trâm cho biết thời điểm đó cảm thấy rất tự hào khi trở thành thủ khoa. Tuy nhiên, Trâm tự biết không được ngủ quên trên chiến thắng. “Trường đại học tôi học hầu hết tất cả các bạn đều là “siêu nhân”, có bạn được tuyển thẳng, có bạn đạt các giải học sinh giỏi quốc gia… Chính vì vậy, nếu mình muốn hành trình tiếp theo ở giảng đường cũng có kết quả tốt thì cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa”, Trâm nói.
Và 6 năm học đại học của Trâm cũng là hành trình tiếp nối những nỗ lực không ngừng nghỉ. 3 năm đầu tiên, Trâm đặt mục tiêu học tốt nhưng cũng không quên trau dồi kỹ năng mềm từ các hoạt động xã hội. Trâm đảm nhiệm vai trò lớp trưởng trong hai năm đầu, tham gia hầu hết các hoạt động Đoàn, Hội ở trường.
Ba năm sau, Trâm dành thời gian thực hành ở bệnh viện nhiều hơn. Nữ sinh này chọn cách tập trung toàn thời gian vào việc học, nếu rảnh sẽ tham gia thêm các hoạt động khác. Trong 3 năm cuối, năm nào Trâm cũng nhận được học bổng 100% học phí của trường; tốt nghiệp đại học loại khá.
Sau khi ra trường, Trâm chọn chuyên ngành nội khoa tại một bệnh viện công ở TP.HCM và hiện đang học thạc sĩ tại Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Sau 9 năm nhìn lại, giấc mơ ngày nào của cô thủ khoa giờ đây đã trở thành hiện thực, được tự tay thăm khám và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Trâm cũng mong muốn các thủ khoa năm nay hãy giữ vững tinh thần và thái độ, niềm tin để mang danh hiệu ấy theo trong suốt hành trình học tập sắp tới ở giảng đường đại học. Môi trường đại học là môi trường mở, ở đó các bạn được tự do lựa chọn ngành nghề và thành hay bại đều ở chính thái độ, lựa chọn của mỗi cá nhân.
"Mỗi vấp ngã là một bài học, giống như một lần ta giải không ra bài toán chẳng hạn, nhưng không có nghĩa đó là sai lầm mà sẽ là bài học và chúng ta phải luôn tìm cách giải những bài toán ấy để chiến thắng được chính bản thân mình, như cách mà chúng ta trở thành thủ khoa vậy”, Trâm chia sẻ.
Bình luận (0)