Tham gia chương trình "Thủ khoa tiếp sức gen Z", tại sao chàng thủ khoa này lại bảo thí sinh (TS) hãy… lười đi? Vì theo Hữu, suốt ngày "cắm đầu" ôn, học, rồi luyện đề… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng lo âu, căng thẳng.
Thủ khoa Lê Văn Hữu: Mẹo vặt chữa hội chứng lo âu trước kỳ thi
"Đầu tiên các bạn thường lo lắng mình không đủ kiến thức. Nhưng do các bạn làm đề, giải bài tập quá nhiều dẫn đến các bạn lo lắng nhiều, lo rằng mình không đủ kiến thức để đi thi. Tâm lý này là một điều hết sức bình thường và tự nhiên, mình cũng đã từng có cảm giác như vậy. Và mình đã vượt qua nó thế nào, đó chính là giảm làm bài tập lại, giảm luyện đề lại", Hữu chia sẻ.
Trong chương trình "Thủ khoa tiếp sức gen Z" chàng thủ khoa này "bật mí": "Làm nhiều thì các bạn càng cảm thấy mình ngu dốt và sai cũng rất nhiều. Thay vì thế, hãy làm ít lại để sai ít hơn, nhưng các bạn có thêm thời gian để sửa những lỗi sai, cũng như ghi nhớ nó. Sẽ hiệu quả hơn việc các bạn làm nhiều, sai nhiều nhưng không có thời gian để sửa hết những lỗi sai đó. Bằng chứng là có những bạn cũng giải nhiều, làm nhiều nhưng kết quả không được cao như ý muốn".
Vấn đề thứ 2, theo Hữu, là cứ đến mùa thi, TS thường hay làm bài tập liên tục, ngồi suốt nhiều tiếng đồng hồ mà không giải lao. "Thay vì vậy các bạn hãy… lười đi. Phải lười đúng lúc, tức là giải lao đúng thời điểm. Khi đầu óc quá mệt mỏi và cần nghỉ ngơi nhưng các bạn lại vẫn cắm đầu học tiếp, học quá nhiều cũng như là ít ngủ. Nhất là giai đoạn sát ngày thi, các bạn cần được ngủ và giải lao nhiều nhất. Vì giai đoạn này không phải chuẩn bị về mặt kiến thức nữa, mà là chuẩn bị về mặt tinh thần nhiều hơn. Để không phải lo lắng khi bước vào phòng thi", Hữu khuyên.
Qua chương trình "Thủ khoa tiếp sức gen Z", anh chàng thủ khoa này không quên gửi gắm đến các thí sinh: "Thay vì giải đề thì các bạn hãy giải lao nhiều hơn, nghe nhiều hơn các lời khuyên từ mọi người xung quanh như gia đình, bố mẹ, thầy cô, bạn bè… như vậy các bạn sẽ thi tốt hơn và cũng sẽ vượt qua được căn bệnh run khi vào phòng thi".
Thí sinh (TS) cùng theo dõi các video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" trên các nền tảng: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên và tại thanhnien.vn. Mỗi ngày 2 lượt phát sóng (sáng: 9 giờ; chiều: 14 giờ).
Đơn vị tài trợ:
Bình luận (0)