"Thủ khoa tiếp sức gen Z": Ôn thi hiệu quả với 3 mẹo này…

25/04/2023 14:00 GMT+7

Gần đến giai đoạn "nước rút" của kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ càng căng thẳng và đẩy nhanh tốc độ ôn luyện. Nhưng luyện nhiều đề trong một ngày liệu có tốt? Và làm thế nào để có thể ôn thi hiệu quả ở giai đoạn này? Hãy xem video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" để được nắm các mẹo ôn thi.

Trong video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" hôm nay, Lê Văn Hữu, thủ khoa khối B tỉnh Quảng Nam, một trong những TS có điểm trúng tuyển cao nhất Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2022, chia sẻ với TS về 3 mẹo đã giúp anh chàng ôn thi hiệu quả.

Thủ khoa Lê Văn Hữu: Mẹo làm thế nào để ôn thi hiệu quả nhất

Đầu tiên là vấn đề luyện đề. Thủ khoa Hữu cho rằng giai đoạn này luyện đề là một vấn đề vô cùng cần thiết và quan trọng với TS. Nhưng luyện đề như thế nào mới thực sự hiệu quả? Theo kinh nghiệm bản thân cũng như trải nghiệm của các bạn khác cùng khóa thì Hữu thấy giai đoạn này không nên giải quá nhiều đề. "Trong một ngày, tối đa các bạn chỉ nên giải 3 đề, mỗi môn một đề, thời gian còn lại dành để nghỉ ngơi và giải các bài tập liên quan. Như vậy sẽ có thời gian khắc phục những lỗi sai, cũng như não của các bạn thấm và nhớ được những lỗi sai này để khi bước vào phòng thi các bạn sẽ rút kinh nghiệm và ghi nhớ được chính xác những gì đã mắc phải", Hữu khuyên.

"Thủ khoa tiếp sức gen Z": Ôn thi hiệu quả với 3 mẹo này… - Ảnh 2.

Lê Văn Hữu, thủ khoa khối B tỉnh Quảng Nam, một trong những TS có điểm trúng tuyển cao nhất Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2022

NVCC

Điều quan trọng thứ hai, theo Hữu, đó chính là cách các bạn giải lao: "Thường các bạn hay có tâm lý là khi giải lao nhưng vẫn giữ những vướng mắc trong bài tập, trong vấn đề các bạn vừa học khi nãy. Và thế là vừa giải lao nhưng vừa suy nghĩ, cách này không thực sự hiệu quả. Chúng ta đã quá căng thẳng nên não cần được nghỉ ngơi sau những giờ học".

Hữu cho rằng nếu các bạn cứ suy nghĩ mãi thì não sẽ không thể làm việc hiệu quả trong những giờ học tiếp theo. Đôi khi những vấn đề chỉ giải quyết được khi não được nghỉ ngơi một cách đầy đủ, thoải mái nhất. Nếu cứ suy nghĩ mãi thì khi vào học lại các bạn sẽ đi theo lối mòn và không thể làm được gì mới hơn.

"Vấn đề tiếp theo là ăn uống, các bạn không nên ăn quá no cũng như không nên để quá đói. Não chúng ta cần nhiều năng lượng hơn bạn tưởng, khi các bạn suy nghĩ thì não cần rất nhiều đường, bởi vì đường là một trong những nguồn năng lượng chính của não. Nhưng không nên lạm dụng bánh kẹo hay nước ngọt, trà sữa, các bạn chỉ nên ăn các loại trái cây bổ sung lượng đường tự nhiên tốt cho cơ thể, cũng như các loại vitamin và khoáng chất khác", Hữu nhắn gửi đến TS.

Thí sinh cùng theo dõi các video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" trên các nền tảng: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên và tại thanhnien.vn; mỗi ngày 2 lượt phát sóng (sáng: 9 giờ và chiều: 14 giờ).

Đơn vị tài trợ: 

"Thủ khoa tiếp sức gen Z": Ôn thi hiệu quả với 3 mẹo này… - Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.