Hãng bay chỉ thu hộ ACV rất ít, còn được chia hoa hồng
Phản bác thông tin các biến phí tại các cảng hàng không chiếm tới khoảng 65 - 80% tổng chi phí, đại diện ACV thông tin: Trong cơ cấu giá vé máy bay, chỉ có 2 mục các hãng hàng không thu hộ ACV là Phục vụ hành khách (PSC) và Bảo đảm an ninh hành khách, hành lý (PSSC).
Các dịch vụ cảng gồm: Dịch vụ sân đậu tàu bay; cho thuê cầu dẫn khách; thuê quầy làm thủ tục hành khách; cho thuê băng chuyền hành lý và xử lý hành lý tự động, dịch vụ phục vụ mặt đất trọn gói nhóm C đang được ACV thực hiện thu đều phải áp dụng theo khung giá quy định của Nhà nước được quy định cụ thể tại Thông tư 53 do Bộ GTVT ban hành từ 31.12.2019.
Tiền thu từ các dịch vụ này đối với một chuyến bay của tàu bay A320/321 theo ACV là khoảng 3 triệu đồng/chuyến, nếu phân bổ cho hành khách đi máy bay thì chỉ tương đương 15.000 đồng/hành khách, rất nhỏ so với cơ cấu chi phí cho một chuyến bay của hãng hàng không.
Bên cạnh đó, tại các Cảng hàng không chi nhánh (trừ 4 Cảng: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh), ACV đang thực hiện cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất cho các hãng hàng không và thu tiền theo chuyến bay.
Lập đoàn kiểm tra giá vé máy bay từ ngày 7 - 9.5
Cụ thể, với Vietnam Airlines, Vietjet thì mức thu này được áp dụng từ khi ký Hợp đồng dịch vụ hàng không năm 2012 cho đến nay chỉ điều chỉnh tăng 1 lần vào năm 2019 và mức tăng là 5%. Số tiền thu từ dịch vụ này chia đều cho hành khách đi máy bay trên tàu bay A320/321 là khoảng 30.000 đồng/hành khách.
"Lấy ví dụ đường bay Hà Nội - TP.HCM thì phần thu của ACV là 120.000 đồng/khách, gồm PSC 100.000 đồng và PSSC 20.000 đồng, chưa trừ thuế VAT mà chúng tôi phải đóng lại cho Nhà nước. Các chặng bay tới sân bay địa phương còn thấp hơn, như chặng TP.HCM - Côn Đảo thì phần thu của ACV là 80.000 đồng/khách, gồm PSC 60.000 đồng, PSSC 20.000 đồng. Khoản thu này sao có thể chiếm tới 60% chi phí cộng vào giá vé? Chưa kể, các hãng hàng không đang thu hộ cho ACV còn được hưởng hoa hồng thu hộ là 1,5% doanh thu theo quy định tại điều 8, Thông tư 53. Thực tế, các hãng đang chiếm dụng khoản thu này và chưa thực hiện trả đầy đủ cho ACV" - đại diện ACV chỉ rõ.
Thuế, phí đều thấp, sao giá vé máy bay vẫn cao chót vót?
Trước đó, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) khẳng định các khoản phí trong giá vé máy bay là "giá dịch vụ chuyên ngành hàng không" quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT. Dịch vụ chuyên ngành hàng không là dịch vụ liên quan trực tiếp đến khai thác tàu bay, vận chuyển hàng không và hoạt động bay. Đây cũng là các dịch vụ cung cấp tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay nhưng không thuộc dịch vụ hàng không. Các khoản này không phải là phí thuộc ngân sách nhà nước, theo luật Phí và lệ phí.
Theo pháp luật về phí và lệ phí, các chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay và phí dịch vụ kinh doanh cảng hàng không. Hai loại này lần lượt là 165.000 đồng và 335.000 đồng/lượt, để bảo đảm hoạt động bay. "Vì thế, nói giá vé máy bay cao do thuế, phí là không chính xác", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Cục Hàng không đã thành lập đoàn kiểm tra việc bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không từ đầu năm tới nay. Đoàn gồm 10 người do ông Đỗ Hồng Cẩm - Phó cục trưởng Cục Hàng không làm trưởng đoàn, sẽ kiểm tra trong 3 ngày, từ 7 - 9.5.
Dù chưa hết quá trình kiểm tra nhưng trong báo cáo gửi Bộ GTVT về tình hình giá vé máy bay 4 tháng đầu năm, Cục Hàng không đã khẳng định giá vé nội địa của các hãng trong giai đoạn này tuy tăng cao hơn so với cùng kỳ 2023 nhưng vẫn luôn nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.
Ngay cả với đường bay lập đỉnh đắt đỏ như Hà Nội - Phú Quốc thì giá vé trung bình của Vietnam Airlines tăng 13,8% lên 2,7 triệu đồng một chiều - vẫn chỉ tương đương 68% giá trần (4 triệu đồng, chưa gồm thuế, phí); còn Vietjet tăng gần 50% lên 1,8 triệu đồng một chiều - tương đương 45% giá trần.
Hãng bay chịu lỗ bán dưới giá trần, Nhà nước nói thuế không cao, Cảng hàng không cũng nêu phí rất thấp, chỉ có hành khách vẫn hoang mang không hiểu vì sao giá vé máy bay vẫn tăng như vũ bão từng ngày, từng giờ.
Bình luận (0)