Ngành thuế, hải quan đã xuất sắc hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách được giao hơn 10%. Trong khi cũng trong năm nay, gần 70.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản (tăng gần 30% so với cùng kỳ).
Ngân sách vượt thu trong bối cảnh doanh nghiệp phá sản, giải thể ngày càng nhiều - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tại Hội nghị tổng kết ngành thuế ngày 26.12, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trần Văn Phu cho biết toàn ngành thuế năm 2014 thu ước đạt 681.100 tỉ đồng, bằng 109,1% dự toán (tương ứng vượt 56.900 tỉ đồng), bằng 100,4% so với thực hiện năm 2013.
Năm 2014 với nhiều khó khăn, biến động nhưng thu nội địa của ngành thuế ước đạt 579.000 tỉ đồng, vượt hơn 7,4% so dự toán, tương ứng 40.100 tỉ đồng. Trước đó, số thu do cơ quan hải quan cũng lên tới 249.000 tỉ đồng, vượt gần 11% dự toán 2014.
Với hai mũi nhọn thuế, hải quan đều tăng thu mạnh, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, năm nay thu ngân sách nhà nước ước đạt 930.000 tỉ đồng, vượt gần 10% so với dự toán Quốc hội giao.
Tiếp tục tăng thu
|
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh sự thành công của ngành thuế trong năm 2014 là thu ngân sách vượt kế hoạch, tăng cường quản lý thu và chống thất thu, cải cách hành chính trong thủ tục nộp thuế.
Phó thủ tướng lưu ý ngành thuế cần tiếp tục nâng cao vai trò của thanh tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế trong khi thay đổi phương thức quản lý thu thuế từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phải có giải pháp để cải cách hành chính “ngấm” vào gần 50.000 cán bộ, công chức ngành thuế; tiếp tục giảm số giờ tuân thủ thủ tục thuế như đã cam kết, rà soát và công khai quy trình thủ tục thuế.
Trước diễn biến của giá dầu thô thế giới liên tục giảm gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu, Phó thủ tướng chỉ đạo công tác thu ngân sách của ngành thuế cần được triển khai tích cực ngay từ những ngày đầu năm 2015. Đặc biệt, công tác đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thuế đạt mức tối thiểu 20% trên tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận hiện VN còn để 6.700 dòng thuế phức tạp, gây nhiều phiền hà, sách nhiễu, khó khăn cho DN và không minh bạch cho nền kinh tế. Chính vì vậy, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ sửa luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội năm 2015. Việc này cũng nhằm góp phần tạo môi trường thông thoáng hơn cho DN, cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan. "Chúng ta đã xây dựng luật này 12 năm rồi. VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đã là thành viên của 7 hiệp định tự do thương mại và đang tiếp tục đàm phán 6 hiệp định khác... thì rất cần thiết phải thay đổi".
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định việc cắt giảm thời gian nộp thuế của DN theo công bố của Bộ Tài chính trong năm 2015 xuống còn khoảng 171 giờ/năm cũng sẽ được đẩy mạnh hơn, nhằm giảm khó khăn cho DN và khơi dậy sản xuất, kinh doanh.
Áp lực lên doanh nghiệp trong nước
Nỗ lực tăng thu của ngành thuế được nhiều chuyên gia đánh giá là
“rất đáng ghi nhận”, nhưng cũng dấy lên nhiều lo ngại với nền kinh tế.
Thực tế, ngân sách vượt thu năm qua nhờ vào nguồn khai thác dầu
khí, trong khi năm tới nhiều dự báo cho rằng nguồn tài nguyên “vàng đen”
này sẽ giảm giá mạnh, chỉ còn trên dưới 70 USD/thùng. Giá dầu giảm 1
USD/thùng, ngân sách mất 1.000 tỉ đồng. Theo chuyên gia kinh tế, TS Ngô
Trí Long, trong khi “căn bệnh” thâm niên của ngân sách sống nhờ tài
nguyên chưa được giải quyết thì việc tăng thu ngân sách nhà nước nội địa
làm tăng áp lực lớn đối với các DN. Thống kê của ngành thuế cho thấy,
năm 2014 gần 70.000 DN ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 28% so
với cùng kỳ. Trong đó, giải thể và phá sản là 17.845; bỏ địa điểm kinh
doanh 34.674 và một loạt DN khác phải tạm ngừng hoạt động...
Đầu tháng 12, báo cáo “Tổng quan môi trường thuế VN năm 2014” của
Công ty Vietnam Report cho thấy năm 2007 tỷ lệ thu ngân sách từ thuế,
phí so với GDP của VN nằm ở mức 26,2%, cao hơn hẳn các nước trong khu
vực như Thái Lan 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4%... Trong giai
đoạn 2011 - 2014, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, miễn
giãn và giảm thuế nhưng tỷ lệ này vẫn chiếm 21,4%.
Một lưu ý khác, theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện
Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, mặc dù DN trong nước và người dân phải
“gánh” mức thuế, phí còn cao thì rất nhiều các “ông lớn” nước ngoài vào
làm ăn ở VN liên tục báo lỗ, không có lợi nhuận và không phải nộp thuế.
Điển hình như Pepsi, Coca Cola, và mới đây nhất là Metro khi công ty này
rút khỏi VN sau 12 năm làm ăn và 11 năm báo lỗ. “Người dân, DN trong
nước thì không chạy đi đâu được đồng thuế, phí nào. Nhưng các DN nước
ngoài thì nghiễm nhiên không có đồng nào để nộp thuế”, TS Doanh nêu lên
nghịch lý.
Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính phản ánh khá rõ nét câu chuyện này
khi trong năm 2014 có tới hàng chục nghìn DN trong nước được thanh,
kiểm tra, số tiền kiến nghị xử lý thu ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng.
Nhưng các DN FDI có dấu hiệu liên kết chuyển giá thì chỉ kiểm tra có 30
DN, truy thu và xử phạt có trên 600 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)