Thử nghiệm cảnh báo lũ sớm ở Quảng Nam

17/04/2015 09:00 GMT+7

Khu vực miền núi Quảng Nam đang được thử nghiệm cảnh báo lũ bằng công nghệ hiện đại tại địa bàn hiểm trở và có nhu cầu mở rộng ở nhiều nơi khác.

Khu vực miền núi Quảng Nam đang được thử nghiệm cảnh báo lũ bằng công nghệ hiện đại tại địa bàn hiểm trở và có nhu cầu mở rộng ở nhiều nơi khác.

Thử nghiệm cảnh báo lũ sớm ở Quảng NamLũ bất ngờ chia cắt địa bàn tại vùng núi cao Nam, Bắc Trà My năm 2014 - Ảnh: C.T.V
“Các thiết bị giám sát, cảnh báo lũ quét sử dụng công nghệ M2M, điện toán đám mây vừa lắp đặt xong và vận hành tại H.Nam Trà My từ giữa tháng 4.2015. Giá như tất cả các địa bàn có nguy cơ dính lũ quét ở Quảng Nam đều được trang bị hệ thống cảnh báo này thì quá tốt!”, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My phấn khởi khi nói về dự án APT J2. APT J2 - chính là dự án Giám sát và cảnh báo lũ quét sử dụng công nghệ Machine to Machine (M2M) và điện toán đám mây, với sự tham gia của các chuyên gia ĐH Waseda (Nhật Bản). Từ tháng 3.2014, tổ chức Liên minh viễn thông châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu khảo sát chuẩn bị lắp đặt máy chủ, các máy tính trạm, hệ thống truyền dẫn dữ liệu và kết nối M2M… tại xã Trà Mai. Đầu năm 2015, Tập đoàn viễn thông KDDI (Nhật Bản) tiếp tục tài trợ lô hàng trang thiết bị, phần mềm. Hệ thống này hoạt động theo cơ chế: Khi có lũ ở thượng nguồn, các máy cảm biến đo nhận thông tin mực nước, vận tốc dòng chảy rồi truyền về máy chủ để phân tích, đưa ra cảnh báo bằng SMS hoặc email. Sau đó, thông tin lũ quét, mưa lớn sẽ được báo động đến người dân để kịp sơ tán. Nam Trà My được chọn thử nghiệm vì đây là địa bàn hiểm trở, phạm vi cảnh báo ban đầu áp dụng cho khoảng 200 hộ dân…
Với Nhật Bản, nơi thường xuyên đối diện nguy cơ từ thiên tai, công nghệ cảnh báo hiện đại này đã sử dụng từ sớm và giúp phòng tránh hiệu quả, nhưng tại huyện miền núi cao như Nam Trà My thì đây là lần đầu tiên. Quảng Nam cũng chỉ là 1 trong số 5 địa phương trên toàn quốc được thử nghiệm dự án này với đầu mối phối hợp tại Quảng Nam là Sở TT-TT. Về lâu dài, những thông tin ghi nhận, phân tích từ hệ thống giám sát này cũng giúp làm rõ mối quan hệ giữa lượng mưa - tác hại của phá rừng - nguy cơ lũ quét. “Các chuyên gia Nhật Bản cũng đã tiến hành khảo sát, đào tạo kỹ năng ứng phó thiên tai tại trường Phổ thông dân tộc nội trú H.Nam Trà My và có hướng dẫn ban đầu cho người dân về phòng tránh thảm họa”, ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở TT-TT Quảng Nam nói.
Dự án cũng mở ra nhiều hướng tiếp cận mới cho Quảng Nam, địa phương luôn chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai. Tại hội thảo đánh giá về dự án tổ chức hôm 14.4, TS Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ hy vọng dự án sẽ tạo phương pháp và công cụ giúp dự báo sớm sự thay đổi thời tiết và nguy cơ lũ quét để giúp giảm nhẹ thiệt hại từ lũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.