|
Hôm nay 22.6, các chuyên gia của Viện Sinh thái và bảo vệ công trình (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) bắt đầu phủ chất liệu nano lên bề mặt tháp B5, tại những nơi đã được xử lý cây cỏ dại.
Trước đó 1 tuần, các bước xử lý cây cỏ dại bằng công nghệ sinh học đã được triển khai trong một dự án do Viện Sinh thái và bảo vệ công trình và Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) phối hợp.
Theo trình tự, cây cỏ dại mọc bám trên thân tháp được cắt bỏ, làm sạch, rồi dùng các loại thuốc sinh học bơm vào thân cây để diệt tận gốc; sau đó bề mặt tháp tiếp tục được trám bít bằng dầu rái rồi mới phủ chất liệu nano.
Chất liệu nano sẽ không cho các loại thực vật gây hại phát triển, đồng thời giữ cho bề mặt viên gạch ổn định.
Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, cho biết đây là phương pháp xử lý mới, lần đầu tiên áp dụng tại khu di tích Mỹ Sơn, và tháp B5 được chọn để khảo nghiệm.
Trong khi đó, Viện Sinh thái và bảo vệ công trình đánh giá phương pháp này không ảnh hưởng đến môi trường di tích cũng như những tác động đến kết cấu kiến trúc.
Công nghệ nano áp dụng để bảo vệ di tích Chăm tại Quảng Nam đã được UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ tháng 6.2013, trong đó chọn công nghệ của tập đoàn Guard Industry (Pháp).
Dự án này sau đó được thống nhất lập, chọn nhóm tháp Chiên Đàn (tại huyện Phú Ninh) để triển khai và hiện vẫn đang xúc tiến.
Riêng dự án xử lý tại tháp B5 Mỹ Sơn đã được các bên phối hợp từ khoảng 2 năm qua, dự kiến đến tháng 9.2014 sẽ có kết quả của đợt khảo nghiệm này.
H.X.Huỳnh
>> Chiếu phim về Mỹ Sơn tại khu di tích
>> Tháng phim Mỹ Sơn nhân 15 năm công nhận di sản văn hóa thế giới
>> Du khách đến Thánh địa Mỹ Sơn tăng vọt
>> Khách du lịch đến Mỹ Sơn tăng cao
>> Bàn giao kho hiện vật phát hiện trong quá trình trùng tu Mỹ Sơn
Bình luận (0)