Anh Tuyên kể năm 2011, tận dụng đất trống trước nhà anh làm thử 3 hầm nuôi cua giống. Thời gian đầu thiếu kinh nghiệm, anh phải tự mày mò kỹ thuật và vất vả chăm sóc nhưng cuối cùng thua lỗ. Không bỏ cuộc, anh cố gắng bám nghề, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và thành công đã đến. Chỉ khoảng 3 năm sau, anh mở rộng lên 30 hầm cua giống.
Thấy anh Tuyên làm ăn hiệu quả, nhiều nông dân trong vùng học hỏi làm theo. Tháng 7.2012, Tổ hợp tác ươm cua giống ấp Cái Trăng được thành lập với 16 thành viên và hiện lên đến 49 thành viên, chia thành 3 tổ. Thương hiệu cua giống Cái Trăng được bạn hàng khắp nơi tin tưởng. Mỗi tháng, Tổ hợp tác cung cấp cho thị trường từ 10 - 15 triệu con giống.
Theo đánh giá của các tổ viên, đây là mô hình có hiệu quả và triển vọng, tập hợp được lao động nhàn rỗi, tận dụng những khu đất trống xung quanh nhà vốn không có giá trị kinh tế để tăng thu nhập. “Có những thời điểm hút hàng, sản lượng cua giống của Tổ hợp tác làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tâm niệm phải giữ vững chất lượng vì con giống quyết định phần lớn vào hiệu quả của các mô hình nuôi cua thương phẩm. Hơn nữa, giữ chất lượng cũng là giữ uy tín cho thương hiệu cua giống Cái Trăng”, anh Tuyên bộc bạch.
Anh Tuyên cho biết cua giống có 3 kích cỡ chính gồm: cua tiêu (bằng hạt tiêu) giá 350 đồng/con, cua dưa (bằng hạt dưa) 450 đồng/con và cua me (bằng hạt me) khoảng 550 đồng/con, tùy thời điểm. Trong đó, cua tiêu và cua dưa thường được khách hàng ưa chuộng hơn. Với 70 hầm cua giống hiện có của gia đình, mỗi tháng anh Tuyên thu lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của Hội Nông dân H.Năm Căn, đây là mô hình sản xuất có hiệu quả tại địa phương, đem lại thu nhập cao. Trong tương lai, Hội sẽ phát triển tổ hợp tác thành hợp tác xã để xây dựng thương hiệu cua giống có chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.
tin liên quan
Lãi cao từ nuôi cá lóc trong ao lót bạtNhờ áp dụng phương pháp lót bạt để nuôi cá lóc, ông Ung Tấn Lịch (Quảng Nam) đã thu về gần 200 triệu đồng/năm.
Bình luận (0)