Tham quan trại nuôi cua đinh của anh Quan, chúng tôi ấn tượng với cách làm khác hẳn so với nhiều nơi. Đó là 1 bể nuôi trên cạn diện tích khoảng 100 m2 và 2 bể xi măng âm dưới mặt đất, mỗi bể rộng 500 - 600 m2.
Anh Quan kể, năm 2008 anh khởi nghiệp với nghề nuôi ba ba. Tuy nhiên, mô hình này không hiệu quả do ba ba thường nhiễm bệnh, giá bán thấp, không có lãi. Năm 2011, sau khi tìm hiểu, thấy cua đinh là loài hoang dã, sức đề kháng mạnh, giá bán cao…, anh quyết định mua 100 con giống về nuôi.
“Khi đó, cuộc sống khó khăn, tôi nuôi ba ba lỗ liên tục nên tiền tích lũy chẳng được bao nhiêu. Hai vợ chồng gom hết vốn liếng được 30 triệu đồng, tôi vay thêm 20 triệu đồng nuôi cua đinh. Ai cũng cho rằng tôi làm liều quá, bởi địa phương lúc đó chưa ai nuôi cua đinh”, anh Quan kể.
Nhờ kinh nghiệm sẵn có từ nuôi ba ba, anh áp dụng vào nuôi cua đinh và đạt hiệu quả. Tận dụng đất vườn nhà, ban đầu anh dựng bể xi măng. Sau đó, anh nảy sinh ý tưởng xây bể xi măng âm dưới đất để đỡ tốn công thay nước hằng ngày.
Thấy hiệu quả kinh tế cao, anh Quan chi thêm 50 triệu đồng mua 100 con giống về nhân đàn. “Vốn đầu tư nuôi cua đinh nặng lại lâu thu hồi. Do đó, để đỡ tốn chi phí, hằng đêm, vợ chồng tôi đi đặt lú kiếm thức ăn cho chúng. Những năm đầu, thu nhập thấp lắm. Song tôi nhận định về lâu về dài thu nhập sẽ càng tăng nên quyết tâm gắn bó”, anh Quan chia sẻ.
Những con cua đinh giống đến tuổi được xuất bán |
DUY TÂN |
Đến nay, anh Quan sở hữu trại nuôi cua đinh gồm hơn 200 con bố mẹ (mỗi con nặng 20 - 25 kg) cùng hàng ngàn con giống, hậu bị và con thịt. Bể nuôi cua đinh thịt được nuôi theo dạng quần thể. Riêng bể nuôi sinh sản chia thành 18 hộc nhỏ, mỗi hộc có chiều dài 1,5 - 2 m, nuôi ghép 4 con cái với 1 con đực.
Anh Quan cho biết nhiều người thích nuôi cua đinh Thái, riêng anh vẫn giữ quan điểm nuôi cua đinh Nam bộ. Bởi loại này thịt ngon, dai và được thị trường ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, giá con giống mắc hơn và chậm lớn hơn so với cua đinh Thái.
Để mô phỏng môi trường sống hoang dã của cua đinh, anh Quan cho đất sình, lục bình, bèo vào mỗi bể nuôi. Theo anh Quan, cua đinh nuôi năm đầu tiên rất chậm lớn, từ năm thứ 2 trở đi mới lớn nhanh. Mỗi ngày cho chúng ăn 1 cữ. Riêng cua sinh sản thì cách ngày mới cho ăn một lần, tránh tình trạng cua bị béo dẫn đến khó sinh sản.
Mỗi năm, cua đinh sinh sản 3 - 4 lần, mỗi con đẻ từ 7 - 18 trứng. Trứng ấp khoảng 100 - 105 ngày mới nở. Sau đó đem nuôi khoảng 1 tuần rồi đưa ra dưỡng trong bể xi măng, khoảng 1 tháng rưỡi thì xuất bán con giống.
Cua đinh giống có giá 400.000 - 450.000 đồng/con (tùy kích cỡ). Cua đinh thương phẩm từ 450.000 - 550.000 đồng/kg. Mỗi năm, anh Quan xuất bán trên 1.800 con giống, cùng hàng trăm ký cua đinh thịt. Nhờ đó, anh có thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng/năm.
Bên cạnh nuôi cua đinh, anh Quan còn cải tạo 15 công đất vườn tạp trồng 200 cây nhãn Ido và hơn 100 gốc sầu riêng. Với sự cần mẫn lao động, anh Quan là một trong những nông dân trẻ sản xuất giỏi của địa phương. “Tôi đi lên từ khó khăn, phải vay vốn để đầu tư mua con giống. Giờ thành công nên bản thân cũng mong muốn hỗ trợ người trẻ có quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình kinh tế này tại quê nhà”, anh Quan chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Hùm, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Thành, cho biết anh Quan phải vay vốn để khởi nghiệp, nhờ chịu khó nên bây giờ thành công. Ai muốn nuôi và cần hỗ trợ kỹ thuật đều được anh Quan hết mình hỗ trợ. Từ đó, nhiều bà con cũng tập tành nuôi theo và đạt hiệu quả khả quan.
Bình luận (0)