Thu nhập nghệ sĩ - kẻ khóc người cười - Kỳ cuối: Định giá đúng tài năng

05/04/2012 09:19 GMT+7

Người lao động, kể cả lao động nghệ thuật, với tay nghề cao thấp khác nhau, với bản lĩnh và nội lực văn hóa khác nhau sẽ tạo ra các sản phẩm có chất lượng không giống nhau.

Người lao động, kể cả lao động nghệ thuật, với tay nghề cao thấp khác nhau, với bản lĩnh và nội lực văn hóa khác nhau sẽ tạo ra các sản phẩm có chất lượng không giống nhau.

Và vì vậy, việc các sản phẩm của họ được định giá cao thấp khác nhau là điều hợp lẽ.

>> Kỳ 1: Choáng váng khoảng cách catsê
>> Kỳ 2: Đa năng như nghệ sĩ Việt
>> Kỳ 3: Vua trên sân khấu, xe ôm ngoài đời

Chỉ có điều, các yếu tố cung cầu,  sự phân bổ thị phần và phân khúc cũng có sự khác biệt rất rõ giữa một thị trường hoang dại và một thị trường đã trưởng thành.

Bổ khuyết trong nhận thức và hành xử

 
"Muốn định giá tài năng chính xác để hỗ trợ văn hóa nghệ thuật phát triển, có người đã nói người định giá phải có túi văn hóa và túi tiền nặng ngang nhau"

Các talk show của Larry King cuốn hút khán giả truyền hình suốt gần hai thập niên và mức thu nhập đáng mơ ước của ông đã được nhiều người nhìn nhận là hoàn toàn không phải do ngoại hình hay một giọng nói thuần túy truyền cảm, mà là do cách ông dẫn dắt đầy trí tuệ và đầy thú vị người đối thoại cùng ông trong suốt chương trình.

Một giọng ca hoàn hảo ở cả cao độ và trường độ, ở cả nhạc cảm lẫn biểu cảm, có sức tạo ra xúc cảm nghệ thuật dâng trào nơi người nghe, khi lượng giá tất nhiên đâu thể đứng chung hàng với các giọng ca còn khoảng cách xa về cung bậc. Trong nghệ thuật xiếc, khi đôi tay của các nghệ sĩ vượt lên các thách thức của trọng lực để tạo ra những pha tạo dáng rất hồi hộp và cũng rất đẹp mắt, người lượng giá phải hiểu đằng sau các pha diễn “đáng đồng tiền bát gạo” ấy là năng khiếu, là công phu tập luyện và tài năng không dễ có nhiều.

Ở những thị trường đã đạt đến độ văn minh, đã thoát ra khỏi giai đoạn man rợ, sự định giá tài năng nói chung, trong đó có tài năng nghệ thuật, phần lớn là chính xác. Ở những nơi ấy, khán giả sành điệu ít khi phải băn khoăn tự hỏi lúc bước ra khỏi khán phòng biểu diễn “Vì sao mình phải trả ngần ấy tiền cho chương trình này?”, hoặc “Vì sao giọng ca này yếu hơn giọng ca kia nhiều quá và phong thái cũng chẳng đặc sắc hơn mà mức catsê lại chênh nhau đến vậy?”.

 
Chuẩn bị một vở diễn, các diễn viên phải đến sân khấu trước giờ diễn 2-3 giờ để hóa trang, cùng khoảng hai giờ trên sàn diễn và thù lao nhận được chỉ 500.000-1 triệu đồng/đêm diễn - Ảnh: Gia Tiến

Vậy thì điều đáng quan tâm về thu nhập của nghệ sĩ phải chăng không chỉ là đang cao thấp thế nào, mà là sự cao thấp ấy đã hoàn toàn bình thường chưa và nếu câu trả lời là chưa thì đâu là những gì cần bổ khuyết trong nhận thức và hành xử.

Giúp thị trường thoát khỏi sự hoang sơ

 

Những nghệ sĩ có thực tài, có nền tảng văn hóa nghề nghiệp và vì vậy đạt được mức thu nhập cao, thậm chí rất cao khi hành nghề là điều đáng để xã hội vui mừng, ngưỡng mộ. Tuổi thọ của nghề ca diễn phần lớn không kéo dài như nhiều nghề khác, trừ một số ít trường hợp rất đặc biệt. Thế nên, định giá đúng mức tài năng của nghệ sĩ ở độ sung mãn để họ đủ sống khi còn sức diễn và tích lũy nhất định cho thời kỳ sau đó là việc cần làm của những người có thẩm quyền định đoạt đối với mức đầu tư hoặc tài trợ cho mỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Sự định giá đúng về tài năng, một mặt giúp nghệ sĩ yên tâm làm nghề nghiêm túc, và nhờ đó các sản phẩm của họ khi tham gia thị trường nghệ thuật thường đạt chất lượng cao. Mặt khác, biết vượt qua các mắt lưới đôi khi dày đặc của các chiêu thức quảng bá (lắm khi ảo nhiều hơn thực) để định giá đúng về tài năng cũng chính là góp phần giúp thị trường dần thoát khỏi sự “hoang sơ” để đi nhanh hơn về hướng văn minh, trưởng thành thông qua sự sắp xếp các giá trị đúng với chuẩn về thứ bậc.

Một thị trường giải trí văn minh luôn cổ vũ đúng lúc, đúng mức cho các tài năng đích thực thông qua sự định giá. Một ca sĩ vừa có giọng hát cực hay, lại có phong thái biểu diễn lay động mạnh đến khán giả mỗi khi xuất hiện trên sàn diễn thì việc được định giá cao, thậm chí rất cao đâu có gì phải bàn cãi. Cơ chế thị trường cho phép những người biết nhiều nghề và thạo một nghề tạo được nguồn thu nhập nhiều hơn những người khác. Nhưng cơ chế thị trường văn minh chắc chắn biết thế nào là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để khi định giá không khiến người nghệ sĩ có thực tài phải dành nhiều thời gian làm những nghề tay trái nhằm đủ sống, thay vì dành thời gian ấy cho việc rèn nghề diễn vốn là nghề tay phải của họ.

Với nghệ sĩ đích thực, chắc chắn không có nghề nào cuốn hút tâm can họ hơn là biểu diễn, là nghề mà họ có thể làm với đầy đủ sở trường, với tất cả niềm say mê và sự tinh tế, để qua đó khán giả tìm được sự hứng khởi đặc biệt mỗi khi ngồi trước sân khấu. Muốn định giá tài năng chính xác để hỗ trợ văn hóa nghệ thuật phát triển, có người đã nói người định giá phải có túi văn hóa và túi tiền nặng ngang nhau. Trong lúc thị trường đang còn chập chững để đi tới văn minh, mơ ước về sự hài hòa giữa hai cái túi ấy của những người nắm trong tay vai trò định giá tài năng có vẻ như còn ở xa phía trước.

Thúc đẩy thực thi các chính sách

Sẽ đến lúc những người định giá tài năng đồng hành với Nhà nước trong việc thúc đẩy thực thi các chính sách có đã lâu nhưng chẳng làm được bao nhiêu trong thực tế.

Đó là chính sách điều chỉnh tăng kinh phí để khoảng cách thu nhập của các nghệ sĩ thuộc bộ môn nghệ thuật dân tộc không xa vời đến choáng váng so với các nghệ sĩ ở bộ môn khác, trong khi tài năng và tâm huyết nghề nghiệp của họ không hề thua kém. (Ở Hàn Quốc, một nghệ nhân hát kể pansori - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được hưởng từ ngân sách nhà nước mỗi tháng 800 USD bên cạnh nguồn thu nhập khác của nghệ nhân đó).

Đó là chính sách miễn giảm thuế đáng kể, chính sách tài trợ sau công diễn xét duyệt hằng năm của ngân sách nhà nước và các quỹ văn hóa do nhà nước bảo trợ cho những chương trình, vở diễn đạt chất lượng cao.

Sẽ đến lúc việc định giá đúng tài năng sẽ khiến sân khấu được quét sạch cảnh tượng “chân dài nhưng giọng hát ngắn”, “non diễn xuất nhưng mạnh hở hang”.

Việc định giá đúng tài năng sẽ đến lúc khiến phần lớn nghệ sĩ có thực tài chỉ cần chuyên tâm vào việc làm nghệ thuật thay vì đôn đáo chuyện mưu sinh ngoài nghề diễn. Cái giá mà cả xã hội được hưởng từ đó là khán giả lúc nghiêng ngả khóc cười, lúc lắng đọng, suy tư về lẽ phải hay điều thiện mà họ cảm nhận được bằng trái tim từ giọng hát và vai diễn tài tình của nghệ sĩ...

Định giá đúng xìcăngđan

Nếu như thuở ban đầu showbiz Việt còn e ngại xìcăngđan và mỗi lần nghệ sĩ gặp sự cố bất trắc nào đó thường được coi như vận xui rủi đeo bám, thì bây giờ xìcăngđan phần lớn là cú hích để nghệ sĩ đắt show hơn, thậm chí nhiều người chưa phải nghệ sĩ thì xìcăngđan là đôi cánh để họ cũng dễ dàng bay... show hơn.

Có lẽ bởi thế nên bây giờ muốn tồn tại hay nói đúng hơn là có tên thì bắt buộc phải nổi tiếng, mà nổi tiếng bằng tài năng đã tốt, ít tài thì đành phải vịn cái tai mà đứng dậy! Một nhân vật nổi tiếng K. với cái tên "kiều nữ" có thể sẽ chẳng được chú ý nhiều đến thế nếu không có sự cố phim Shanghai (Thượng Hải - bộ phim trước đó đã đình đám vì ai cũng đinh ninh là nàng có một vai quan trọng). Một kiều nữ khác cũng từng vô danh nếu như nàng không... viết sách nhảm! Còn nhiều nữa những kiều nữ với “kiều nam” tài thì ít mà tai thì nhiều.

Ở phía Bắc có nghệ sĩ V. bỗng nhiên nổi tiếng vì tuyên ngôn “tôi không là số 1 thì cũng là số hai về đẳng cấp danh hài”, ca sĩ N. được biết đến như là diễn viên nhưng sau "tai nạn" bị sàm sỡ trên máy bay cùng vô số bài trả lời phỏng vấn trần tình thì N. cũng trở nên đắt show hơn.

Phía Nam, thế giới giải trí mới thật sự sôi động. Lực sĩ M. dù bị loại ở một cuộc chơi đã vô hình thành động lực cho anh dấn thân vào nghề giải trí với các show diễn dành cho khán giả tò mò hơn là có nhu cầu thưởng thức. Cô gái trẻ tố cáo việc mua giải trong một cuộc thi triển vọng đã ngay lập tức được một số nhà sản xuất phim chạy tới xem mắt để mời vào dự án mới cho xôm!

Bất kể có tài ít tài nhiều, chỉ cần nổi tiếng! Bất kể sự nổi tiếng ấy là tai tiếng, miễn là công chúng biết đến, chú ý đến thì đồng nghĩa với điều đó họ sẽ bán được cái tai tiếng ấy thành tiền.

Thị trường showbiz lúc này dường như đang nằm trong tay một số kẻ biết định giá xìcăngđan. Và khán giả đã là "tội đồ" khi háo hức với bất cứ cái tên nào dính tới xìcăngđan cũng thành “nạn nhân” khi chính họ sẽ phải thưởng thức những thảm họa nhân danh nghệ thuật bất kể tài năng này!

C.Khuê

 

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.