Thu nước theo kiểu bọ cánh cứng

11/11/2011 17:52 GMT+7

Một nhà thiết kế người Úc đã giành được giải thưởng James Dyson năm 2011 với một phát minh mà thoạt nghe, cứ ngỡ như là phép thuật hơn là khoa học. Theo đó, hệ thống này mô phỏng cách một loại bọ cánh cứng nhỏ bé tận thu nước từ không khí.

Một nhà thiết kế người Úc đã giành được giải thưởng James Dyson năm 2011 với một phát minh mà thoạt nghe, cứ ngỡ như là phép thuật hơn là khoa học. 

Theo đó, hệ thống này mô phỏng cách một loại bọ cánh cứng nhỏ bé tận thu nước từ không khí.

Edward Linacre (27 tuổi), cựu sinh viên Đại học Công nghệ Swinburne tại Melbourne, đã nghiên cứu loài bọ cánh cứng Namib sống trong những vùng khô hạn nhất thế giới. Nó tồn tại bằng cách dùng cơ thể hấp thụ hơi sương từ thiên nhiên vào lúc bình minh. Hệ thống có tên gọi Airdrop của Edward Linacre sử dụng cách thức tương tự. Nó có thể hạ thấp nhiệt độ rồi bơm không khí qua một hệ thống ống để ngưng tụ rồi tận thu từng phân tử nước để cung cấp trực tiếp đến rễ cây. Airdrop là một hệ thống đơn giản vì tuân thủ nguyên tắc của tự nhiên, chi phí thấp nhưng rất hiệu quả. Nghiên cứu của Edward Linacre cho thấy có thể thu được 11,5 ml nước từ 1 mét khối không khí khô hạn nhất tại sa mạc. Phiên bản tiếp theo sẽ có hiệu quả cao hơn.

Theo Edward Linacre, Airdrop có thể hỗ trợ nông dân trên khắp thế giới. Khái niệm khai thác nước từ bầu khí quyển không phải là điều mới nhưng Airdrop chứng tỏ được tính hiệu quả hơn so với các kỹ thuật khác. Edward Linacre cho rằng để đạt hiệu quả thu nước từ không khí như Airdrop, những hệ thống khác phải sử dụng năng lượng tương đương với việc chạy một cái tủ lạnh, trong khi Airdrop chỉ tận dụng sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí và mặt đất.

Giải thưởng James Dyson trị giá 10.000 bảng Anh với mục đích hỗ trợ các thiết kế mang tính giáo dục khoa học, công nghệ, nghiên cứu y học và các dự án hướng đến cộng đồng.  Theo Báo Daily Mail, một giải thưởng khác (cũng 10.000 bảng) được trao cho Trường đại học Công nghệ Swinburne nơi Edward Linacre từng theo học nhằm mục đích hỗ trợ các kỹ sư tương lai trong nghiên cứu khoa học.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.