Thu phí BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Tài xế 'né' cao tốc, chọn đi trên QL1

Bắc Bình
Bắc Bình
11/08/2022 13:11 GMT+7

Thống kê sau 48 giờ đầu tiên thu phí BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tổng lượng xe qua trạm là đạt 34.585 xe, giảm sâu so với trước trước khi thu phí.

“Né” BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

Ngày 11.8, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, thống kê từ các trạm thu phí tự động (ETC) sau 48 giờ đầu tiên thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (từ 0 giờ ngày 9.8 đến 0 giờ ngày 11.8), tổng lượng xe qua trạm là 34.585 xe, đạt 66% so với lượng xe trung bình trong ngày ở thời điểm chưa thu phí (trung bình hơn 26.200 lượt xe/24 giờ).

Từ khi bắt đầu thu phí chính thức, lượng xe qua cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giảm 34%

BẮC BÌNH

Mặc dù lượng xe giảm 34% nhưng vẫn ghi nhận tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại các trạm thu phí do một số xe không đủ điều kiện lưu thông trên cao tốc; Xe vào trạm chưa dán thẻ ETC hoặc đã dán thẻ mà tài khoản không còn đủ tiền. Trong 2 ngày thu phí tự động không dừng cũng xuất hiện hiện tượng thiết bị tại trạm không đọc được thẻ (do thẻ hư hỏng, dán sai vị trí, thẻ chồng thẻ…), buộc nhân viên trạm thu phí phải thực hiện thủ công bằng máy đọc RFID cầm tay. Nhiều trường hợp không xử lý được buộc lực lượng điều tra cao tốc mở các dải phân cách mềm khu vực trạm để xe quay đầu, mất khá nhiều thời gian.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trong 2 ngày qua, nhiều tài xế di chuyển từ TP.HCM hết đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã chuyển hướng vòng ra QL1 để về cầu Mỹ Thuận, trong khi khá đông tài xế di chuyển từ hướng TP.Cần Thơ lên TP.HCM cũng lựa chọn lộ trình tương tự. Bởi, các tài xế cho rằng giá thu phí trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn rất cao. Nhiều trường hợp bất đắc dĩ phải “né” cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vì đã nhận hợp đồng vận chuyển với đối tác từ trước, nếu phải “gánh” chi thêm phí BOT sẽ không còn lợi nhuận.

Trạm thu phí BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao Thân Cửu Nghĩa

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

Trong khi đó, nhiều nhà xe cũng phải “né” cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vì không kham nổi chi phí trong điều kiện giá nhiên liệu, chi phí nhân công…ngày càng đắt đỏ. "Xe tải của tôi chủ yếu từ 5 - 10 tấn. Như vậy, một xe đi và về toàn tuyến mất 360.000 đồng nhưng cước hàng hóa không tính thêm được. Vì hàng không gấp nên tôi chọn lộ trình là QL1. Số tiền 360.000 đồng đó tôi trả đủ lương cho một tài xế trong ngày làm việc. Ngoài ra, hiện các chi phí như lãi suất ngân hàng, bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa xe… cao lắm, chúng tôi phải tính kỹ lưỡng từng đồng mới được".”, ông T., ở tỉnh Tiền Giang, là chủ đoàn xe vận tải phân tích.

Tương tự, ông H., chủ đoàn xe vận chuyển khách, cũng cho rằng một ô tô 5 - 7 - 9 chỗ đi từ TP.Mỹ Tho chở khách đến H.Cái Bè (Tiền Giang), Vĩnh Long, Đồng Tháp phải trả tiền BOT đến 206.000 đồng cho 2 lượt đi về, trong khi nhà xe chỉ thu từ khách chỉ từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/chuyến. Do đó, trừ các chi phí như xăng (dầu), tiền tài xế…cũng tương đương giá cước nên xe buộc phải chọn đi QL1.

Lượng ô tô di chuyển trên QL1 tăng gấp đôi

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, Trung tá Nguyễn Trường Kỳ, Trưởng trạm CSGT Trung Lương (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang), cho biết trong 2 ngày qua, lượng ô tô di chuyển trên QL1 (đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận) tăng gấp đôi, cụ thể từ khoảng 10.000 lượt xe/ngày đêm lên khoảng 20.000 lượt xe/ngày đêm. Do đó, giao thông trên tuyến chịu áp lực rất cao, tình trạng ùn ứ phương tiện tại các cầu “thắt cổ chai” như cầu Bà Đắc, An Cư…tiếp tục “hành” người đi đường.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông thoáng sau khi bắt đầu thu phí BOT

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo ước tính của một số tài xế, thời gian di chuyển quãng đường hơn 60 km trên QL1 (từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận) mất từ 1 giờ 30 phút đến 2 giờ. Thời gian này, nếu so sánh với lộ trình di chuyển trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì lâu hơn từ 30 đến 45 phút.

“Tuy chúng tôi chấp nhận lộ trình dài hơn, thời gian lâu hơn để không phải trả tiền qua trạm BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhưng việc này chắc cũng không thể diễn ra lâu nữa. Bởi, hiện 2 trạm thu phí trên QL1 và tuyến tránh Cai Lậy của dự án BOT Cai Lậy cũng đã sửa chữa xong hết rồi. Thông qua báo đài, tôi thấy các đề xuất của nhiều tỉnh phía Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đầu tư mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và TP.HCM -Trung Lương đều có kèm đề xuất cho thu phí trở lại đối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nếu các đề xuất này được chấp nhận thì chúng tôi xem như bị trạm BOT bủa vây rồi”, ông T., chủ một đoàn xe vận tải ở Tiền Giang, nói.

Tuy lượng xe giảm nhưng việc di chuyển qua Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng gặp nhiều khó khăn xuất phát từ các trạm thu phí.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết ngành chức năng tại địa phương đã phối hợp với Bộ GTVT thực hiện hoàn tất các thủ tục, sửa chữa mặt đường, chỉnh trang 2 trạm thu phí BOT thuộc dự án tuyến tránh QL1 qua địa bàn TX.Cai Lậy. Tuy nhiên, phía Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra kế hoạch, lộ trình thu phí đối với dự án này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.